Tổng thống Iran Rouhani để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ

Tổng thống Rouhani nêu rõ Mỹ cần tham gia trở lại thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nếu muốn một thỏa thuận với Iran.
Tổng thống Iran Rouhani để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: AFP)

Ngày 25/8, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ, nhưng với điều kiện Washington phải quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới. 

Phát biểu họp báo trên truyền hình, Tổng thống Rouhani nêu rõ Mỹ cần tham gia trở lại thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nếu muốn một thỏa thuận với Iran.

Ông đồng thời khẳng định chính sách của Washington nhằm gây sức ép tối đa đối với Tehran đã “thất bại hoàn toàn.”

Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích hoạt “quy trình đảo ngược” nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran, một bước đi bị cho là có thể phá hủy hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân do Iran và Nhóm P5+1 ký kết năm 2015.

[Iran: Mỹ đang tìm cách mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran]

Quy trình này cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 đề xuất tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran nếu Tehran không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận.

Sau khi nhận đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có 10 ngày để đưa ra quyết định có chấp thuận hay không.

Trong trường hợp các bên không nhất trí được, các lệnh trừng phạt Iran sẽ tự động được kích hoạt sau 30 ngày kể từ khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị.

Mỹ tiến hành bước đi trên sau khi Hội đồng Bảo an không thông qua nghị quyết kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran trong cuộc họp ngày 14/8 vừa qua. Lệnh cấm vận này sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 tới.

Lý do Mỹ đưa ra để khởi động “quy trình đảo ngược” là Iran không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận JCPOA.

Dù Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018, nhưng chính quyền của Tổng thống Trump vẫn cho rằng Washington có quyền khởi động cơ chế này.

Tính đến thời điểm này, 13/15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - trong đó có một số đồng minh chủ chốt của Mỹ tham gia JCPOA, đã bày tỏ phản đối quyết định tái áp đặt trừng phạt Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục