Triển vọng kinh tế tích cực của Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19

Theo ước tính, FDI trên toàn cầu "có thể giảm tới 40% trong năm nay do các tác động của đại dịch COVID-19," tuy nhiên, trường hợp của Việt Nam lại là một thành công vang dội.
Hoạt động của một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

COVID-19 thực sự là một sự kiện "Thiên nga đen" và tác động đến toàn bộ thế giới. Nhưng theo các chuyên gia, một số quốc gia có thể tận dụng cơ hội để giảm thiểu tác động, "biến nguy thành cơ," mà Việt Nam là một trong số đó. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Vyjay Sakhuja, đăng trên trang mạng của Quỹ nghiên cứu quốc tế Peninsula.

Nỗi lo về tương lai tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn sau đại dịch đang lan rộng. Ngân hàng Thế giới đánh giá đại dịch đã gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sâu sắc nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Có ít nhất ba lý do đằng sau cuộc khủng hoảng này.

Thứ nhất, Mỹ và Trung Quốc đã tham gia vào cuộc chiến thương mại kể từ tháng 7/2018 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế trên diện rộng đối với Trung Quốc do nước này đã có những hành vi thương mại không công bằng.

Tháng 8/2019, Tổng thống Trump yêu cầu các công ty Mỹ "ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm giải pháp thay thế Trung Quốc, bao gồm việc đưa các công ty trở lại nước Mỹ và tạo ra những sản phẩm tại đây."

Trung Quốc đã có những phản ứng tương tự, áp đặt thuế quan đối với nhiều hàng hoá của Mỹ. Sau hàng loạt cuộc đàm phán giữa hai nước, cuộc đàm phán cuối cùng vào tháng 6 năm 2020 tại Hawaii đã không có bất kỳ đột phá nào. Cuộc chiến thuế quan mang đầy tính thù địch này đã "đổ dầu" vào cuộc chiến thương mại toàn diện. Tổng thống Trump đã gia tăng căng thẳng, đe doạ sẽ "cắt đứt toàn bộ quan hệ với Trung Quốc."

Thứ hai, đại dịch COVID-19 bùng nổ trong bối cảng cuộc chiến thương mại đang diễn ra khiến tình hình trở nên xấu hơn. Mỹ cáo buộc Trung Quốc giấu thông tin về virus SARS-CoV-2, theo đó virus này được phát hiện từ tháng 12/2019 nhưng cho tới tháng 1/2020 mới được Bắc Kinh công bố sau khi đã lây lan trên toàn cầu từ châu Âu đến Mỹ.

Đại dịch đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với chuỗi cung ứng, một số quốc gia đã quyết định chuyển việc kinh doanh ra ngoài Trung Quốc. Ví dụ, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố gói kích thích trị giá 2,2 tỷ USD để giúp các công ty Nhật Bản chuyển các hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc về Nhật Bản hoặc khu vực khác.

Thứ ba, luật an ninh mới tại Hong Kong đã châm ngòi cho một cuộc "di cư" của các công ty ra khỏi Trung Quốc. Nhiều công ty công nghệ, công ty khởi nghiệp, doanh nhân đang rơi vào tình trạng mông lung, tìm kiếm các điểm đến thay thế.

Hơn nữa, đại dịch đã bộc lộ những điểm yếu của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và ngành công nghiệp, đặc biệt là những tổ chức có mối liên hệ mật thiết, phụ thuộc với Trung Quốc về nguyên liệu thô hoặc tiêu thụ thành phẩm. Do đó, nhiều công ty đang bị buộc phải ngừng hoạt động tại Trung Quốc và cân nhắc, đánh giá lại, tái đầu tư vào những điểm đến mới nhằm duy trì hoạt động trong thời điểm hiện tại, dần dần tăng tính linh hoạt cho mạng lưới trong nhiều lĩnh vực trong tương lai.

Theo một công ty tư vấn và nghiên cứu kinh doanh hàng đầu, "thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt trong những năm qua đã làm tăng chi phí chuỗi cung ứng lên tới 10% đối với hơn 40% các tổ chức" và "các điểm đến thay thế phổ biến là Việt Nam, Ấn Độ, Mexico."

Ngay cả trước cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, năm 2019, 5 nước châu Á là Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam (MITI-V), hay còn gọi là "Bộ ngũ hùng cường" được đánh giá là "những người chơi mới nổi," có khả năng cao sẽ trở thành trung tâm sản xuất tiếp theo của thế giới. Trong số này, Việt Nam và Thái Lan thực hiện hiệu quả cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, hiện tại đang xây dựng đất nước để thu hút đầu tư và khởi động nền kinh tế.

[Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam]

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là do tự do hóa thương mại, cải cách trong nước qua giảm thiểu quy định, giảm chi phí kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.

Trong sáu tháng đầu năm nay, cam kết FDI đã đạt mức hơn 15 tỷ USD và là một triển vọng đối với Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam đã thu hút vốn FDI từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 32.000 dự án, tổng giá trị đạt 378 tỷ USD. Trong số này, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với hơn 60 tỷ USD.

Tháng trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá các khoản đầu tư FDI "đặc biệt trong bối cảnh chính phủ đang cung cấp gói viện trợ trị giá 2,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ."

Việt Nam cũng sản xuất nhiều sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc, như thiết bị thu phát sóng và có thể nổi lên là "nhà xuất khẩu thiết bị thu phát sóng hàng đầu sang các nước phát triển," song bị hạn chế bởi "GDP nhỏ hơn và lực lượng lao động ít hơn." Tuy nhiên, những tiến bộ về cơ sở hạ tầng có thể khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, các đối thủ về FDI khác như Thái Lan và Ấn Độ đã đưa ra các chính sách FDI hấp dẫn, đồng thời cung cấp cơ sở hạ tầng sản xuất phù hợp. Giữa năm 2019, khoảng 200 công ty Mỹ có dự định chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc tới Ấn Độ. Tương tự, các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có dự định rút khỏi Trung Quốc và nhắm đến "những nền kinh tế phù hợp với sản xuất như Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan."

Theo ước tính, FDI trên toàn cầu "có thể giảm tới 40% trong năm nay do các tác động của đại dịch COVID-19," tuy nhiên, trường hợp của Việt Nam lại là một thành công vang dội. Việt Nam là một nền kinh tế ổn định, có các cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất cần thiết, và trên hết Việt Nam tận dụng các "thỏa thuận song phương và đa phương với nước ngoài" để trở thành một điểm đến hấp dẫn trong triển vọng phục hồi kinh tế thời kỳ hậu COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục