Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học

Với tốc độ tăng trưởng giảm dần kể từ khi chính sách một con được đưa ra vào cuối những năm 1970, kết quả điều tra dân số năm 2020 cho thấy dân số Trung Quốc tăng 5,38% lên 1,41 tỷ người.
Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi tham quan Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dân số Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức chậm nhất kể từ những năm 1950 khi tỷ lệ sinh giảm xuống, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng của Bắc Kinh trong việc cung cấp sức mạnh cho nền kinh tế khi họ phải vật lộn với xu hướng già hóa đang ảnh hưởng đến các quốc gia phát triển như Nhật Bản.

Với tốc độ tăng trưởng giảm dần kể từ khi chính sách một con được đưa ra vào cuối những năm 1970, kết quả điều tra dân số năm 2020 - được thực hiện sau mỗi thập kỷ - cho thấy dân số Trung Quốc đại lục tăng 5,38% lên 1,41 tỷ người. Đó là mức tăng ít nhất kể từ khi cuộc điều tra dân số hiện đại bắt đầu vào năm 1953.

Dữ liệu cho thấy tỷ lệ sinh trong riêng năm 2020 là 1,3 trẻ em trên một phụ nữ, ngang bằng với các xã hội già hóa như Nhật Bản và Italy.

Báo động lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đang ở trong xu thế suy giảm dân số không thể đảo ngược nhưng lại không tích lũy được tài sản lớn như các quốc gia G7.

Con số này có nghĩa rằng Trung Quốc suýt chút nữa đã bỏ lỡ mục tiêu mà họ đặt ra hồi năm 2016 về việc nâng dân số lên khoảng 1,42 tỷ người vào năm 2020, với mức sinh khoảng 1,8.

Năm 2016, Trung Quốc đã thay thế chính sách một con - ban đầu được áp dụng để ngăn chặn dân số bùng nổ vào thời điểm đó - bằng giới hạn hai con.

[Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc trong năm 2020 giảm mạnh do COVID-19] 

Sự suy giảm mạnh về nhân khẩu học sẽ thúc đẩy áp lực ở Bắc Kinh để tăng cường khuyến khích các cặp vợ chồng sinh nhiều con hơn. Những ưu đãi cho đến nay không bù đắp được tác động của sự lựa chọn nghề nghiệp và những thách thức về chi phí sinh hoạt mà các cặp vợ chồng nói rằng đã ngăn cản họ bắt đầu có thêm thành viên.

Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh già hóa dân số, các số liệu điều tra dân số cũng sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách thêm luận điểm để sớm nâng tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc.

Ning Jizhe, người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia, phát biểu sau khi công bố kết quả điều tra dân số: "Từ xu hướng tăng dân số trong những năm gần đây, có thể thấy tốc độ gia tăng dân số sẽ tiếp tục chậm lại trong tương lai. Dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong tương lai, nhưng thời gian cụ thể vẫn chưa chắc chắn. Tổng dân số được ước tính sẽ vẫn ở mức hơn 1,4 tỷ người trong tương lai gần.”

Tháng trước, Cục Thống kê Quốc gia đã có một động thái bất thường khi công bố thông tin dân số tăng trong năm 2020 nhưng không đưa ra tổng số, điều cho thấy tính nhạy cảm của vấn đề. Động thái này giống như một nỗ lực để xoa dịu các công ty và nhà đầu tư sau khi tờ The Financial Times đưa tin rằng cuộc điều tra dân số tại Trung Quốc có thể cho thấy một sự sụt giảm bất ngờ.

Lu Jiehua, giáo sư nghiên cứu dân số tại trường Đại học Bắc Kinh, nói: “Chúng tôi quan ngại hơn về sự sụt giảm nhanh chóng của dân số trong độ tuổi lao động.”

Theo ông, dân số lao động tiềm năng từ 15 đến 59 tuổi sẽ giảm từ 3/4 tổng dân số vào năm 2011 xuống chỉ còn hơn một nửa vào năm 2050.

Ông nói: “Nếu dân số già quá, việc giải quyết vấn đề thông qua nhập cư là bất khả thi. Vấn đề đó cần được xử lý ở giai đoạn đầu.”

Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học ảnh 2Chăm sóc trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở Quý Châu, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều cặp vợ chồng muốn sinh con đang phải đối mặt với những thách thức khó khăn. Nhiều người đang phải chia sẻ căn hộ chật chội với cha mẹ của họ. Chi phí nuôi con rất tốn kém và thời gian nghỉ thai sản ngắn. Hầu hết các bà mẹ đơn thân không được nhận bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội. Một số phụ nữ cũng lo lắng việc sinh con có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ.

Trong một báo cáo, chuyên gia Yue Su của Economist Intelligence Unit cho biết sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động sẽ đặt ra giới hạn cho tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Trung Quốc. Đó là một động lực mạnh mẽ để đưa ra các cải cách nâng cao năng suất.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là 8,4% trong năm nay sau sự phục hồi từ đại dịch COVID-19. Đảng Cộng sản cầm quyền muốn tăng gấp đôi sản lượng của mỗi người từ mức của năm 2020 vào năm 2035, điều này sẽ đòi hỏi mức tăng trưởng hàng năm khoảng 4,7%.

Theo Ning Jizhe, đây là lần đầu tiên phần lớn dữ liệu điều tra dân số được thu thập trực tuyến, đồng thời khẳng định dữ liệu này rất "chính xác" và "đáng tin cậy."

Tuy nhiên, học giả Yi Fuxian - nhà khoa học cấp cao tại trường Đại học Wisconsin-Madison - cho rằng dân số Trung Quốc được “thổi phồng” và đã bắt đầu giảm vào năm 2018.

Ông nói rằng dữ liệu điều tra dân số năm 2020 được đưa ra để né tránh một "cơn địa trấn chính trị" nhưng sẽ "dẫn đến việc các chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng, đối ngoại và các chính sách khác của Trung Quốc tiếp tục dựa trên dữ liệu dân số sai.”

Cuộc điều tra dân số đã làm dậy sóng các mạng xã hội Trung Quốc và nhanh chóng có hơn 120 triệu lượt xem. Một số phàn nàn rằng dữ liệu này là không chính xác, trong khi những người khác chỉ ra những thách thức và chi phí gia tăng của cuộc sống gia đình ở Trung Quốc thời hiện đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục