Trung Quốc hỗ trợ các nước Arab đa dạng nguồn năng lượng

Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ các nước Arab tăng tốc độ chuyển đổi sang nguồn năng lượng phát thải ít carbon, cũng như hỗ trợ phát triển và tận dụng các nguồn năng lượng gió và Mặt Trời.
Trung Quốc hỗ trợ các nước Arab đa dạng nguồn năng lượng ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: vneec.gov.vn)

Tại Hội chợ triển lãm trực tuyến Trung Quốc – các nước Arab lần thứ 5 đang diễn ra ở Khu tự trị Hồi giáo Ninh Hạ của Trung Quốc, Trung Quốc và các nước Arab  đã nhấn mạnh đến việc đảm bảo an ninh năng lượng và hợp tác năng lượng, trong bối cảnh các nước Arab đang tích cực tìm cách chuyển đổi năng lượng để tránh sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch, còn Trung Quốc cam kết lượng phát thải CO2 sẽ đạt đỉnh trước năm 2030, và trung hòa carbon trước năm 2060.

Zhang Jianhua, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) cho biết trong năm 2020, xuất khẩu dầu thô của các nước Arab sang Trung Quốc chiếm 51,3% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của nước này.

Các công ty năng lượng Trung Quốc cũng đang tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng điện ở các nước Arab, trong đó Tập đoàn lưới điện quốc gia Trung Quốc đã tham gia vào một dự án cải tạo lưới điện chính của Ai Cập. Công ty Shanghai Electric cũng đã tham gia xây dựng một nhà máy điện hỗn hợp quang điện và quang nhiệt ở Dubai.

Awaidha Murshed Ali Murshed Almarar, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Abu Dhabi, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cho biết trong 20 năm qua, Abu Dhabi đã chứng kiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại kiêm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lớn nhất đối với nhiều quốc gia Arab và vùng Vịnh, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Giờ đây, với sự đồng thuận quốc tế, các bên cần phải hành động nhằm làm giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu. Việc mở rộng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo đã trở thành một xu hướng toàn cầu.

Số liệu chính thức NEA cho thấy Trung Quốc đứng đầu thế giới về công suất lắp đặt điện gió mới và cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và sử dụng năng lượng Mặt Trời và thủy điện. Đến cuối năm 2020, hơn 40% công suất phát điện của Trung Quốc đến từ các nguồn tài nguyên tái tạo, cung cấp gần 35% lượng điện tiêu thụ của cả nước.

[IEA cảnh báo nguy cơ lượng khí thải toàn cầu tăng cao kỷ lục vào 2023]

Mohammad Abunayyan, chủ tịch ACWA POWER, một công ty điện và nước ở Saudi Arabia cho biết công ty này đã bắt đầu mối quan hệ với Trung Quốc từ năm 2008. Phía Trung Quốc đã đầu tư, hỗ trợ xây dựng mua sắm kỹ thuật (EPC), cung cấp thiết bị và dịch vụ cho công ty trong thời gian đó, nhờ vậy ACWA POWER đã có thể chuyển sang năng lượng tái tạo.

Về phần mình, ông Zhang Jianhua nói rằng Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ các nước Arab tăng tốc độ chuyển đổi sang nguồn năng lượng phát thải ít carbon, cũng như hỗ trợ phát triển và tận dụng các nguồn năng lượng gió và Mặt Trời dựa trên điều kiện từng nơi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục