Trung Quốc, Nga thảo luận quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện

Trung Quốc khẳng định sẵn sàng mở rộng ý nghĩa chiến lược trong mối quan hệ giữa nước này với Nga lên một kỷ nguyên mới, cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương.
Trung Quốc, Nga thảo luận quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện ảnh 1Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. (Ảnh: MEM)

Ngày 18/11, Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Trung Quốc sẵn sàng mở rộng ý nghĩa chiến lược trong mối quan hệ giữa nước này với Nga lên một kỷ nguyên mới, cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương lên một tầm cao mới.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gửi lời chúc mừng phía Nga về việc tổ chức thành công các hội nghị của lãnh đạo các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) thông qua hình thức trực tuyến.

Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, quan hệ Trung Quốc - Nga đã được kiểm chứng trước tác động của đại dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh niềm tin giữa hai nước sẽ tiếp tục được làm sâu sắc và thương mại song phương sẽ sớm hồi phục trở lại như trước.

[Tên lửa của Nga, Trung Quốc có thể khiến tàu sân bay Mỹ "hết thời"]

Về phần mình, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, trong quãng thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, quan hệ Nga - Trung Quốc tiếp tục phát triển. Nga chúc mừng Trung Quốc đạt được những thành tựu to lớn trong cuộc chiến chống đại dịch, và sẵn sàng duy trì trao đổi cấp cao, bảo đảm sự thành công của Năm Nga - Trung Quốc về Sáng kiến Khoa học và Công nghệ, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực để hướng đến những kết quả mới.

Trong lúc đề cập đến sự ủng hộ của Nga đối với sự kết nối giữa Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) và sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Moskva sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Bắc Kinh trên các nền tảng đa phương như Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an LHQ, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), cùng bảo vệ sự ổn định của tình hình quốc tế và khu vực, hỗ trợ các quốc gia trong khu vực đấu tranh với chủ nghĩa cực đoan, ủng hộ khuôn khổ hợp tác khu vực Đông Á với ASEAN đóng vai trò trung tâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục