Theo hãng tin Pháp AFP, ngày 31/10, phát biểu tại thủ đô Vienna của Áo, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang ở thăm bày tỏ tin tưởng châu Âu đủ khả năng vượt qua những khó khăn hiện tại.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Heinz Fischer, lãnh đạo hai nước đã bàn các biện pháp tăng cường hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Hai vị nguyên thủ đã chứng kiến lễ ký kết bảy thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực năng lượng, bảo vệ môi trường, thủy điện và trao đổi văn hóa. Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế lớn nhất ngoài châu Âu của Áo với kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 6 tỷ USD trong năm 2010.
Liên quan cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho biết Bắc Kinh tin tưởng châu Âu sẽ giải quyết được những vấn đề của mình và Trung Quốc theo sát những diễn biến kinh tế trong khu vực. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh, tháp tùng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Áo, khẳng định Bắc Kinh sẽ dành sự hỗ trợ tích cực cho châu Âu trong nỗ lực vượt "bão" nợ công.
Sau Áo, dự kiến sáng 2/11, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ đến thành phố Cannes của Pháp để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G-20), sẽ diễn ra trong hai ngày 3-4/11 tới.
Chuyến đi châu Âu của Chủ tịch Hồ Cầm Đào được thực hiện trong bối cảnh Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ trở thành một đối tác đầu tư hỗ trợ châu Âu trong cuộc khủng hoảng nợ hiện nay. Người đứng đầu Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF), Klauss Regling, đã đến Bắc Kinh nhằm thảo luận về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ cam kết đầu tư 100 tỷ USD cho EFSF.
Trước đó, Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ châu Âu và đồng Euro với tư cách là một nhà đầu tư dài hạn vào các khoản nợ công ở châu lục. Điều này sẽ tạo ra một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, châu Âu sẽ có thêm nguồn tiền đến đối phó với khủng hoảng nợ công còn Trung Quốc sẽ đa dạng hóa, đồng thời tăng độ an toàn cho nguồn dự trữ ngoại hối của mình.
Theo đánh giá của hãng tin Tân Hoa, việc Trung Quốc đầu tư cho nợ công châu Âu còn giúp thế giới giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD, vốn được coi là công cụ chính cho các kho dự trữ ngoại tệ trên thế giới, và khuyến khích sự chuyển hướng sang một hệ thống dự trữ ngoại tệ đa dạng. Hội nghị G-20 được dự đoán sẽ dành cho châu Âu và Trung Quốc một cơ hội mới và thuận lợi để trao đổi quan điểm, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.
Tân Hoa Xã cho rằng hai bên cần nắm lấy cơ hội và hành động trên tinh thần là đối tác tốt. Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh là đối tác lớn thứ hai. Vì thế, một nền kinh tế châu Âu ổn định mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại tỏ ra không lạc quan về khả năng Trung Quốc và châu Âu đạt được đột phá tại hội nghị G-20 vì Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra cam kết chính thức nào về việc đầu tư cho EFSF. Ngoài ra, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu còn làm nguội lạnh những hy vọng về triển vọng đầu tư nói trên khi nói rằng vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự./.