Ủy ban châu Âu hối thúc 3 nền kinh tế lớn nhất Eurozone cải cách

Ủy ban châu Âu đưa ra cảnh báo Pháp phải điều chỉnh kinh tế, Đức cần xem xét giảm thặng dư còn Italy thì phải tìm mọi cách để giảm thâm hụt ngân sách.
Ủy ban châu Âu hối thúc 3 nền kinh tế lớn nhất Eurozone cải cách ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: data.si)

Ủy ban châu Âu (EC) vừa cảnh báo 3 nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là Đức, Pháp và Italy đang có dấu hiệu mất cân bằng.

EC cho biết Pháp phải điều chỉnh kinh tế, Đức cần xem xét giảm thặng dư còn Italy thì phải tìm mọi cách để giảm thâm hụt ngân sách.

Trong buổi báo cáo xem xét tình hình kinh tế, xã hội của các nước thành viên ngày 22/2, EC nhận xét rằng Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Bulgaria, Croatia và CH Cyprus là những nước đang trong tình trạng mất cân bằng kinh tế quá mức.

Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính Pierre Moscovici đánh giá dù đã có những tiến bộ, nhưng chắc chắn các nước nêu trên phải tiếp tục cải tổ và nỗ lực hơn nữa. Ông Moscovici cho biết thêm đây cũng là trách nhiệm của các chính phủ tương lai, và EC sẽ theo dõi sát sao những biện pháp do các chính phủ đưa ra.

Về trường hợp của Pháp, ông giải thích việc tiến hành cải tổ là rất cần thiết để EC có thể xếp nước này vào danh sách những nền kinh tế "mất cân đối" thay vì "mất cân đối quá mức" hiện nay.

Trường hợp của Italy bị đánh giá là đáng lo ngại nhất khi nợ công hiện ở mức hơn 133% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, đồng thời hiệu suất của nền kinh tế còn thấp. EC đưa ra thời hạn cho Italy từ nay đến tháng 4 tới phải tìm ra được các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm tiết kiệm ít nhất 0,2% GDP để giảm nợ, trong bối cảnh chính trị nước này hiện đang khá căng thẳng.

EC cũng cảnh báo sẽ có thể khởi động điều tra về tình trạng thâm hụt quá mức của Italy nếu nợ công của nước này vẫn không có dấu hiệu cải thiện trong thời hạn kể trên.

Về tình hình nước Đức, nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), EC lấy làm tiếc vì tình trạng thặng dư thương mại của Đức tiếp tục tăng cao trong 2 năm qua.

Theo ông Moscovici, thặng dư của nền kinh tế Đức có dấu hiệu không lành mạnh và tạo ra sự mất cân đối lớn về cả chính trị lẫn kinh tế cho toàn bộ Eurozone.

Ông cũng nhấn mạnh dù năm vừa qua Đức đã tái khởi động chương trình đầu tư công theo khuyến cáo của EC, nhưng Berlin cần phải đẩy mạnh hơn nữa chương trình này để có thể đáp ứng các yêu cầu đặt ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục