Vấn đề người di cư: Hàng chục người thiệt mạng ngoài khơi Libya

Liên hợp quốc ngày 19/8 cho biết tuần này, ít nhất 45 người di cư và tị nạn đã thiệt mạng ngoài khơi Libya trong vụ đắm tàu tồi tệ nhất tại đây kể từ đầu năm đến nay.
Vấn đề người di cư: Hàng chục người thiệt mạng ngoài khơi Libya ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Arab News)

Liên hợp quốc ngày 19/8 cho biết tuần này, ít nhất 45 người di cư và tị nạn đã thiệt mạng ngoài khơi Libya trong vụ đắm tàu tồi tệ nhất tại đây kể từ đầu năm đến nay.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) xác nhận 45 trường hợp nói trên, trong đó có 5 trẻ em, đã tử vong khi động cơ của thuyền chở họ phát nổ ngoài khơi thị trấn ven biển Zwara của Libya. Có 37 người may mắn được các ngư dân cứu sống. Các trường hợp này - chủ yếu đến từ Senegal, Mali, Chad và Ghana - đã bị lực lượng chức năng bắt giữ khi lên bờ tại Libya.

UNHCR và IOM kêu gọi các quốc gia ngay lập tức xem xét lại cách tiếp cận đối với tình hình nghiêm trọng như trên, khi mà tình trạng người di cư thiệt mạng trong hành trình vượt biển từ Libya để tới châu Âu thường xuyên xảy ra.

Theo số liệu thống kê, thảm kịch ngày 19/8 đã nâng tổng số người di cư và tị nạn bỏ mạng trên tuyến đường biển này lên tới 302 người kể từ đầu năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, số người thiệt mạng thực tế có thể cao hơn nhiều.

UNHCR và IOM cho rằng cần khẩn trương nâng cao năng lực và triển khai bổ sung các chương trình tìm kiếm, cứu nạn để có thể nhanh chóng phản ứng khi tiếp nhận thông báo về các vụ việc tương tự.

[Italy giải cứu gần 100 người di cư gặp nạn ngoài khơi bờ biển Libya]

Hai cơ quan trên của Liên hợp quốc - hiện đảm trách vấn đề cứu người di cư ở Địa Trung Hải do các quốc gia châu Âu thu hẹp các nỗ lực hỗ trợ vấn đề này - cũng cho biết đang đối diện với nhiều rào cản pháp lý và logistic trong vấn đề này, do đó, hối thúc các nước tạo điều kiện cho các nỗ lực nhân đạo cũng như hoạt động giải cứu và đưa người di cư cập bờ an toàn.

UNHCR và IOM cũng nhắc lại lập trường cho rằng Libya - vốn đã trở thành một điểm trung chuyển chủ chốt được người di cư lựa chọn trên hành trình đến châu Âu - không phải là một điểm đến an toàn để đưa trở lại những người di cư được cứu trên biển.

Theo thống kê của IOM, từ đầu năm 2020 đến nay hơn 7.000 người di cư bất hợp pháp đã được cứu sống và đưa trở lại Libya. Các khu vực tạm trú dành cho những người này đang lâm vào tình trạng quá tải, bất chấp hàng loạt lời kêu gọi đóng cửa các khu này của cộng đồng quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục