Vì sao lợi nhuận cao nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng tăng?

Bên cạnh những điểm sáng, trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong thời gian qua cũng nổi lên một “điểm tối” - nợ xấu có xu hướng tăng lên tại nhiều ngân hàng thương mại.
Vì sao lợi nhuận cao nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng tăng? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đến thời điểm này thì hầu hết các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh vố cùng ấn tượng và con số lãi nghìn tỷ đồng đã chiếm rất lớn. Tuy nhiên, song hành cùng với con số lợi nhuận “khủng” thì nợ xấu của các ngân hàng cũng đang tăng lên trong quý này dù tỷ lệ nợ vẫn ở mức khá thấp.

Nhiều ngân hàng lãi nghìn tỷ

Trong 9 tháng qua, các ngân hàng đều đạt lợi nhuận ở mức cao dù tăng trưởng tín dụng có giới hạn chật hẹp hơn, không được Ngân hàng Nhà nước xem xét nới như những năm trước (giới hạn toàn ngành 15 -17%). Để có được kết quả này, đa số các ngân hàng kể trên đều có sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu, gia tăng lợi nhuận từ đóng góp của dịch vụ, thu lãi bên ngoài (thẻ tín dụng, bảo hiểm, tư vấn…).

Hiện tại ngôi vị số 1 vẫn là Vietcombank với 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Techcombank với 7.774 tỷ đồng, tăng tới 60,6% so với cùng kỳ 2017.

[Thống đốc yêu cầu tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu]

Theo sát hai ngân hàng trên là VietinBank, BIDV và VPBank với mức lợi nhuận lần lượt là 7.596 tỷ đồng, 7.254 tỷ đồng và 6.100 tỷ đồng.

Nếu như các “ông lớn” nổi bật với quy mô thì những ngân hàng tư nhân lại vượt trội về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. VIB lãi trước thuế hơn 1.720 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ; TPBank đạt gần 1.614 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần. Tương tự, Viet Capital Bank, VietBank, SeABank cũng có kết quả lãi trước thuế gấp 3 đến 4 lần cùng kỳ năm trước.

Trong các khoản thu ngoài lãi, thì hoạt động dịch vụ vẫn là mảng tăng ổn định và đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập hoạt động ngân hàng.

Sự tăng trưởng của hoạt động dịch vụ phần lớn đến từ lợi nhuận của dịch vụ đại lý bảo hiểm và dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử. Điển hình như MBBank, trong 9 tháng, lợi nhuận thuần từ hoạt động gấp 1,5 lần cùng kỳ khi đạt hơn 1.688 tỷ đồng. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động gần 860 tỷ đồng, chiếm 51% và gấp hơn 3,2 lần cùng kỳ.

Tương tự, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ TPBank trong 9 tháng gần 440 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ. Trong đó, lãi từ dịch vụ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm là gần 233 tỷ đồng, gấp 27 lần cùng kỳ…

Nhiều chuyên gia đánh giá, sự tăng nhanh các khoản thu hoạt động dịch vụ cho thấy thu nhập của các ngân hàng đang dịch chuyển theo hướng đa dạng và bền vững hơn. Bởi các khoản thu này ít bị biến động theo thay đổi nền kinh tế, rủi ro cũng thấp hơn nhiều so với tín dụng. Hơn nữa, sự tăng trưởng của mảng này cho thấy xu hướng tối ưu hóa các kênh bán hàng, giúp ngân hàng tăng khả năng sinh lời của tài sản.

Theo ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank, chủ trương của ngân hàng là tăng tỷ trọng doanh thu từ hoạt động phi tín dụng, nhằm giảm thiểu rủi ro từ mảng tín dụng. Mục tiêu của Techcombank là giữ tỷ trọng này ở mức 50% và thực tế, tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng tại ngân hàng đã giảm từ 53% xuống còn 48% ở thời điểm cuối quý 3/2018.

“Trong phần doanh thu phi tín dụng, chúng tôi tập trung nhiều vào hoạt động thanh toán của khách hàng (thẻ visa, debit…) phục vụ nhu cầu thường ngày trong đời sống. Ngoài ra, Techcombank cũng tập trung phát triển mảng bảo hiểm nhân thọ,” ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết.

Vì sao lợi nhuận cao nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng tăng? ảnh 2Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nợ xấu bất ngờ tăng mạnh

Bên cạnh những điểm sáng, trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong thời gian qua cũng nổi lên một “điểm tối,” đó là tại nhiều ngân hàng thương mại, nợ xấu có xu hướng tăng lên, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng nhanh.

Theo báo cáo tài chính của BIDV, hết quý 3, ngân hàng này có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm 2018, tức là tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 tăng 47%. Đối với VietinBank, nợ xấu ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương 34,6% so với đầu năm. Tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng...

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần thì ACB hiện có hơn 1.264 tỷ đồng nợ xấu, tăng tới 60% so với cuối năm 2017; MBBank gần 1.319 tỷ đồng, tăng tới 62% so với cuối năm 2017; nợ xấu tại OCB tăng 65% trong 9 tháng lên mức 1.429 tỷ đồng, chiếm 2,66% dư nợ cho vay khách hàng tại nhà băng này.

Còn tại Saigonbank, đến cuối tháng Chín, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng đã lên tới 6,4%, tăng mạnh so với mức 3% hồi đầu năm. Giải thích cho điều nay, lãnh đạo Saigonbank cho biết đây là kết quả tạm thời của việc ngân hàng cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, chủ trương là tuyệt đối không che giấu nợ xấu.

Một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng nguyên nhân chính khiến nợ xấu của một số ngân hàng gia tăng do nợ xấu cũ chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, nợ xấu mới lại phát sinh do các ngân hàng mạnh tay cho vay. Điều này thể hiện qua việc mới trong hai quý đầu năm, nhiều ngân hàng đã dùng hết hạn mức tín dụng được giao.

Chuyên gia trên đánh giá, việc tăng trưởng tín dụng thường mang lại kết quả kinh doanh tốt vì 80% lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào tín dụng. Nhưng ở chiều ngược lại, đây lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu gia tăng.

Còn theo lý giải của nhiều nhà băng, nguyên nhân nợ xấu tăng là do mua lại số nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước đó. Đây là điều bình thường trong hoạt động của ngành ngân hàng, chưa phải là vấn đề đáng lo ngại, dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 100%. Việc hạch toán và trích lập này sẽ khiến ngân hàng chủ động hơn khi xét đưa ra ngoại bảng vào cuối năm.

Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, phân tích nợ xấu phải nhìn vào việc trích lập dự phòng để biết bản chất nợ xấu thực và có thể lợi nhuận dự phòng. Nợ xấu gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng và có nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5. Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tính nợ xấu và yêu cầu phân loại nợ theo khách hàng chứ không phải phân theo khoản nợ. Chính vì vậy, nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn mới có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, xu hướng nợ xấu tăng hiện nay chỉ mang tính thời điểm.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến lại cho rằng, xu hướng nợ xấu tăng cần được quan tâm. Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo chính thức hơn 2%, một phần là do được chuyển từ hệ thống ngân hàng sang VAMC. Nếu tính cả nợ xấu do VAMC và các ngân hàng nắm giữ, cộng với nợ xấu tiềm tàng, sẽ cao hơn, ở mức khoảng 7% tổng dư nợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục