Vì sao nhiều doanh nghiệp ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn?

Hiện tượng doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước thời hạn xuất hiện hàng loạt kể từ sau sự kiện hủy các lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào tháng 4.
Vì sao nhiều doanh nghiệp ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn? ảnh 1(Nguồn: vietstock.vn)

Kể từ sau vụ việc ở Tân Hoàng Minh, rồi đến Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đứng trước thách thức mới trong nỗ lực làm minh bạch hóa thị trường.

Đặc biệt, tâm lý nhà đầu tư trái phiếu cũng bị ảnh hưởng lớn sau những vụ việc này, khiến nhiều doanh nghiệp phát hành phải đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn.

Nhiều doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Niên Kỷ vừa thông báo mua lại trước hạn một phần trái phiếu TNK.H.20.26.001 đang lưu hành.

Cụ thể, công ty này sẽ mua lại 400.000 trái phiếu TNK.H.20.26.001 trước ngày đáo hạn 4 năm, tương đương với giá trị mua lại 40 tỷ đồng. Việc mua lại trái phiếu có thể được chia thành nhiều đợt cho đến khi mua lại hết số lượng, dự kiến sẽ thực hiện từ ngày 9-18/11.

[Triển vọng và thách thức của thị trường trái phiếu doanh nghiệp]

TNK.H.20.26.001 là lô trái phiếu được Năng lượng Thiên Niên Kỷ phát hành vào tháng 10/2020, có giá trị 250 tỷ đồng, đáo hạn ngày 12/10/2026 với lãi suất được trả định kỳ hàng quý, do Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) bảo lãnh phát hành và là đại diện sở hữu trái phiếu. Theo thông báo của Năng lượng Thiên Niên Kỷ, việc mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn là nhằm mục đích giảm dư nợ trái phiếu.

Giữa tháng 10/2022, HĐQT Công ty cổ phần Sunshine Homes cũng ban hành Nghị quyết về việc mua lại trước hạn toàn bộ 5 triệu trái phiếu SSHCH2022001 đang lưu hànhh, tương đương tổng mệnh giá 500 tỷ đồng.

Theo Sunshine Homes, lý do mua lại trái phiếu là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), đơn vị bảo lãnh thanh toán đối với trái phiếu bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Đây là sự kiện dẫn đến tổ chức phát hành phải thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc trong trường hợp người sở hữu trái phiếu có yêu cầu được quy định tại điều kiện trái phiếu.

Cả hai trường hợp mua lại trái phiếu trước hạn trên được thực hiện sau vụ lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt tạm giam liên quan đến việc phát hành trái phiếu, huy động vốn tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Trên thực tế, hiện tượng doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước thời hạn xuất hiện hàng loạt kể từ sau sự kiện hủy các lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào tháng 4.

Chẳng hạn, cuối tháng 9, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) đã hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn toàn bộ lô trái phiếu riêng lẻ mã OCBL2124007 và OCBL2124008 trước hạn 2 năm, với giá trị 1.000 tỷ đồng/lô tái phiếu.

Trước đó, tháng 6, ngân hàng này cũng đã mua lại toàn bộ trước hạn 2 lô trái phiếu tổng giá trị 2.500 tỷ đồng. Tháng 5/2022, OCB cũng mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã OCB.BOND01.2020 giá trị 200 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm nay, OCB đã mua lại 5 lô trái phiếu phát hành trong năm 2020 và 2021, với tổng giá trị lên đến 4.700 tỷ đồng.

Theo thống kê tổng hợp của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong 9 tháng năm 2022, khối lượng trái phiếu mua trước hạn đạt 135.180 tỷ đồng. Lượng mua lại trái phiếu có xu hướng tăng cao kể từ tháng 6/2022.

Đứng đầu danh sách này là các ngân hàng thương mại như BID mua lại lượng trái phái trước hạn với giá trị 12.672 tỷ đồng; VIB 8.800 tỷ đồng; LPB 8.000 tỷ đồng; SHB 5.450 tỷ đồng, TPB 4.900 tỷ đồng; OCB 4.700 tỷ đồng…

Trong top 20 doanh nghiệp giá trị mua lại lớn loại trừ các ngân hàng là các công ty Azura (7.317 tỷ đồng); Yamagata (4.794 tỷ đồng); Osaka Garden (3.400 tỷ đồng)…

Rủi ro thanh khoản cần được theo dõi kỹ

Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn còn có nguyên nhân đến từ việc Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực vào 16/9/2022 đã bổ sung một nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề này.

Vì sao nhiều doanh nghiệp ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: baodautu.vn)

Doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành; trong đó, có phương án sử dụng vốn hoặc vi phạm pháp luật. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi quy định mới.

Trong một báo cáo cập nhật mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu bị thử thách khi liên tiếp có hai sự kiện bắt giữ lãnh đạo cấp cao của hai tập đoàn bất động sản lớn vốn có quy mô phát hành trái phiếu riêng lẻ cao trong ngành.

Những tội danh này đều liên quan đến hành vi “lừa đảo” trong hoạt động phát hành triếu riêng lẻ của các công ty thành viên. Điều này đã tăng thêm áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản vốn là những chủ thể có giá trị phát hành trái phiếu cao nhất khi các nhà đầu tư yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn.

Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho thấy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý 4 năm 2022 đạt mức 58.840 tỷ đồng, đã giảm 9,1% so với quý trước; trong đó, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của ngành bất động sản, tài chính – ngân hàng và nhóm doanh nghiệp khác, lần lượt là 34,1%, 32,9% và 33%.

Sau vụ việc tại Tân Hoàng Minh và mới đây là Vạn Thịnh Phát đã ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thị trường, nhất là các nhà đầu tư cá nhân về rủi ro an toàn hệ thống tín dụng khi tiếp thêm cả sự kiện tại Ngân hàng SCB.

Tuy vậy, các chuyên gia của Công ty cổ phần FiinGroup cho rằng, rủi ro ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp đến với hệ thống tín dụng hiện nay là ở mức rất thấp.

Số liệu của FiinRatings - đơn vị xếp hạng tín nhiệm cho thấy, dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 13% GDP năm 2021; trong đó, số dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỷ đồng và các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455.000 tỷ đồng.

Con số này trên thực tế chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong khi chất lượng tín dụng của ngành bất động sản có sự phân hóa cao và vẫn có rất nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia của lưu ý rằng, khối lượng trái phiếu đáo hạn và khả năng trả gốc, lãi trái phiếu, cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc rủi ro thanh khoản có thể gia tăng tăng đối với thị trường tài chính nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt.

Về triển vọng của trái phiếu doanh nghiệp, giới phân tích dự báo thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục trầm lắng trong một vài quý tới để thị trường thích nghi với các quy định mới.

Điểm đáng chờ đợi sẽ là thời điểm hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp tập trung đi vào vận hành và đem lại tính thanh khoản tốt hơn đối với sản phẩm này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục