Việt Nam kêu gọi bảo vệ, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ ở Afghanistan

Đại sứ Đặng Đình Quý ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Afghanistan trong bảo vệ và thúc đẩy vai trò của phụ nữ, đặc biệt là việc có gần 25% thành viên đoàn đàm phán là nữ.
Việt Nam kêu gọi bảo vệ, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ ở Afghanistan ảnh 1Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu tại một phiên họp. (Ảnh: TTXVN phát)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 27/7 đã tiến hành họp trực tuyến theo thể thức Arria về nội dung “Phụ nữ và tiến trình hòa bình ở Afghanistan: bảo đảm sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy quyền của họ” do Đức, Indonesia, Vương quốc Anh và Afghanistan đồng tổ chức.

Tại cuộc họp, Việt Nam đã kêu gọi tăng cường bảo vệ và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ ở Afghanistan.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tham dự phiên họp có phu nhân Tổng thống Afghanistan Rula Ghani, Thượng nghị sỹ, nữ Nam tước Anh Fiona Hodgson, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) Deborah Lyons.

Các diễn giả đánh giá cao các thành tựu về bảo đảm quyền phụ nữ và sự tham gia ngày càng tích cực của phụ nữ trong mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở Afghanistan kể từ năm 2001 đến nay.

[LHQ: Thương vong dân thường Afghanistan giảm trong nửa đầu năm 2020]

Tuy nhiên, theo các diễn giả, phụ nữ Afghanistan còn đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng tấn công nhắm vào phụ nữ, bạo lực tình dục, phân biệt giới tính, nhất là tại các khu vực do lực lượng Taliban kiểm soát.

Bà Rula Ghani nhấn mạnh nỗ lực của chính phủ nhằm sớm bắt đầu quá trình đàm phán hòa bình với sự tham gia đầy đủ của phụ nữ.

Bà Deborah Lyons kêu gọi thúc đẩy sự tham gia đồng đều và có ý nghĩa của phụ nữ trong tất cả các đoàn đàm phán của các bên liên quan ở Afghanistan.

Trong phát biểu của mình, các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Afghanistan bởi tình hình Afghanistan tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian gần đây bất chấp Thỏa thuận Hòa bình giữa Mỹ và lực lượng Taliban ngày 29/2.

Một số nước cho rằng cần bảo đảm duy trì các tiến bộ về quyền con người, đặc biệt là quyền phụ nữ phù hợp với Hiến pháp hiện nay của Afghanistan trong nội dung thỏa thuận hòa bình trong tương lai.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, bày tỏ sự ủng hộ tiến trình hòa bình do người Afghanistan dẫn dắt và làm chủ; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục triển khai Nghị quyết 2513 của Hội đồng Bảo an về ủng hộ Thỏa thuận Hòa bình ngày 29/2/2020.

Đại sứ Đặng Đình Quý ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Afghanistan trong bảo vệ và thúc đẩy vai trò của phụ nữ, đặc biệt là việc có gần 25% thành viên đoàn đàm phán là nữ; chia sẻ các thách thức mà phụ nữ và trẻ em gái đang đối mặt và sự cần thiết phải xử lý các vấn đề gốc rễ đối với các thách thức này, đặc biệt là thúc đẩy hòa bình bền vững và phát triển kinh tế-xã hội.

Theo thông tin từ UNAMA, xung đột tại Afghanistan là một trong những cuộc xung đột đẫm máu trên thế giới hiện nay với hơn 10.000 thương vong thường dân trong năm 2019 và gần 2.000 từ đầu năm 2020 đến nay. Đã có 2.582 vụ việc bạo lực với phụ nữ được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2020.

Họp theo thế thức Arria là một hình thức họp không chính thức của Hội đồng Bảo an nhằm có sự trao đổi rộng rãi với các nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan.

Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc công bố ngày 27/7 cho biết số dân thường thương vong trong các cuộc giao tranh ở Afghanistan đã giảm trong nửa đầu năm nay sau khi có thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban nhằm chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Liên hợp quốc đồng thời hối thúc Kabul và lực lượng phiến quân ngồi vào bàn đàm phán.

Báo cáo cũng chỉ ra gần 3.500 dân thường thương vong do các cuộc giao tranh ở Afghanistan trong 6 tháng đầu năm 2020. Số dân thường thương vong đã giảm 13% so với đầu năm 2019, một phần do giảm bớt các hoạt động của lực lượng quốc tế.

Trong khi đó, phần lớn nguyên nhân gây ra thương vong cho dân thường là do lực lượng chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban.

Cụ thể, báo cáo cho biết đã có 1.282 người thiệt mạng và 2.176 người bị thương. Taliban chịu trách nhiệm cho 43% tổng số dân thường thương vong, trong khi lực lượng chính phủ Afghanistan chịu trách nhiệm đối với 23% tổng số dân thường thương vong.

Nguyên nhân chủ yếu là do các cuộc không kích và hỏa lực gián tiếp của các cuộc giao tranh trên mặt đất.

Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Afghanistan, bà Deborah Lyons cho biết Liên hợp quốc hối thúc các bên “có hành động quyết đoán để ngăn chặn các hành động bạo lực và bắt đầu đi đến bàn đàm phán.”

Trong một tuyên bố, Chính phủ Afghanistan đã quy trách nhiệm cho lực lượng Taliban khiến “số lượng rất lớn dân thường bị thương vong.” Trong khi đó, người phát ngôn của Taliban Zabiullah Mujahid cho rằng “nguyên nhân gây thương vong cho dân thường là do các vụ không kích và tấn công bằng tên lửa của chính quyền Kabul và lực lượng Mỹ vào các ngôi nhà của người dân.”

Hồi tháng 2 vừa qua, Mỹ và Taliban ký một thỏa thuận lịch sử nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất nước Mỹ và mở đường cho các phe phái ở Afghanistan giải quyết sự khác biệt sau gần hai thập kỷ xung đột.

Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan và dự kiến sẽ hoàn tất trong thời gian 14 tháng theo nội dung thỏa thuận.

Tuy nhiên, giai đoạn 2 cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đã bị trì hoãn, chủ yếu do những bất đồng giữa 2 bên về việc trao đổi tù nhân.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad đã được phái đến Kabul hôm 24/7 và một số thành phố khác để hối thúc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trước các cuộc đàm phán giữa các phe phái trong nội bộ Afghanistan, trong đó có việc trao đổi tù nhân cuối cùng và giảm tình trạng bạo lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục