Việt Nam thúc đẩy hợp tác Trung tâm hành động bom mìn nhân đạo Geneva

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả của GICHD thời gian qua và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ trong khắc phục bom mìn còn sót lại sau chiến tranh...
Việt Nam thúc đẩy hợp tác Trung tâm hành động bom mìn nhân đạo Geneva ảnh 1Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phiên họp thường kỳ lần thứ 46 Hội đồng Chấp hành Quỹ Trung tâm quốc tế hành động bom mìn nhân đạo Geneva (GICHD) đã diễn ra ngày 30/11 tại Thụy Sĩ dưới hình thức trực tuyến.

Là thành viên của Hội đồng, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã tham gia và có bài phát biểu tại phiên họp.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả của GICHD trong thời gian qua và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của GICHD cũng như các đối tác quốc tế trong khắc phục bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, cũng như thúc đẩy các nỗ lực hợp tác quốc tế và khu vực nhằm khắc phục hậu quả bom mìn hậu xung đột.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định: Là một trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh, Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm khắc phục hậu quả của bom mìn sót lại sau chiến tranh, bảo đảm an toàn cho người dân cũng như phát triển kinh tế, xã hội tại các khu vực bị ô nhiễm bom mìn, mà trong đó rà phá mìn còn sót lại sau chiến tranh là một nội dung rất quan trọng.

Việt Nam hiện đang hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về khắc phục bom mìn sau chiến tranh, trong đó có Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia và Quy trình quản lý chất lượng. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam tích cực thúc đẩy hoạt động của Trung tâm Khắc phục bom mìn khu vực ASEAN (ARMAC).

Ở cấp độ quốc tế, là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với GICHD và các đối tác quốc tế để thúc đẩy hành động bom mìn, trong đó có vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn hậu xung đột.

[Thúc đẩy hợp tác về rà phá bom mìn giữa Việt Nam và GICHD]

Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh Việt Nam coi trọng và cám ơn những đóng góp và kinh nghiệm chuyên môn của GICHD trong thúc đẩy các hoạt động rà phá bom mìn, sự hợp tác hiệu quả giữa GICHD với các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong đó có Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) liên quan đến quản lý rủi ro của bom mìn, chất nổ còn sót lại sau chiến tranh, tư vấn giúp Việt Nam hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Tham dự Phiên họp trực tuyến Hội đồng Chấp hành GICHD có Chủ tịch Quỹ - nữ TS. Barbara Hearings, Giám đốc Quỹ Stefano Toscano, đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về hành động bom mìn (UNMAS) và các thành viên của Hội đồng là Đại sứ, Trưởng Phái đoàn, hoặc đại diện cho Đại sứ, Trưởng Phái đoàn tại Geneva của một số nước như Anh, Áo, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Na Uy, Liban, Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Việt Nam...

Tại Phiên họp, các thành viên Hội đồng phát biểu đánh giá cao vai trò và kinh nghiệm của GICHD trong hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tại các nước bị ảnh hưởng trên thế giới thông qua các hoạt động hợp tác, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực, nhận thức về hành động nhằm khắc phục bom mìn.

Trao đổi về hoạt động của GICHD năm 2020, các thành viên Hội đồng hoan nghênh kết quả hoạt động tích cực của GICHD, với điều chỉnh kịp thời ứng phó với khó khăn to lớn trong bối cảnh đại dịch COVID-19; triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến, như khóa tập huấn cho các nước ASEAN (phối hợp với Trung tâm Hành động bom mìn khu vực ASEAN), khóa quản lý rủi ro, ô nhiễm tồn dư và trách nhiệm tại Afghanistan và một số nước khác.

Ngoài ra, Phiên họp cũng trao đổi, nhất trí kế hoạch hoạt động trong năm 2021 của GICHD trên cơ sở Chiến lược giai đoạn 2019-2022, tập trung hỗ trợ quản lý đạn dược tại một số quốc gia; nâng cao năng lực kiểm soát và đánh giá của các quốc gia; lồng ghép vấn đề giới và vai trò của phụ nữ; tập huấn, bồi dưỡng năng lực tại các nước bị ảnh hưởng; cập nhật Tiêu chuẩn quốc gia về bom mìn ở một số nước như Afghanistan, Campuchia, Ukraine, Việt Nam, Yemen…

Được thành lập năm 1998, GICHD hỗ trợ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giảm thiểu rủi ro của mìn và vật liệu chưa nổ sót lại sau chiến tranh thông qua phối hợp với Liên hợp quốc và các nước, tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu. GICHD tập trung vào 3 lĩnh vực gồm: hỗ trợ thực địa, tăng cường năng lực và tư vấn, công tác đa phương với trọng tâm là xây dựng chuẩn mực, nghiên cứu và phát triển các giải pháp, đồng thời hỗ trợ thực thi Công ước quốc tế về chống mìn sát thương và Công ước về bom chùm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục