Việt Nam-Pháp còn nhiều thế mạnh để tăng cường hợp tác thương mại

Đại diện Bộ Công thương đánh giá hợp tác thương mại Việt Nam và Pháp đã đạt nhiều kết quả tích cực và còn nhiều tiềm năng phát triển, nhất là khi EVFTA có hiệu lực và đang phát huy tác dụng tích cực.
Việt Nam-Pháp còn nhiều thế mạnh để tăng cường hợp tác thương mại ảnh 1Toàn cảnh Hội thảo xúc tiến thương mại Việt Nam-Pháp ngày 17/10 tại Paris. (Ảnh: Nguyễn Tuyên/TTXVN)

Ngày 17/10, tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) Paris Ile-de-France đã diễn ra “Hội thảo xúc tiến thương mại Việt Nam-Pháp” do Bộ Công thương phối hợp Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris tổ chức.

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ “Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022,” với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp của hai nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và xuất nhập khẩu thực phẩm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Marie-Christine Oghly, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris, phụ trách hợp tác quốc tế, đã bày tỏ sự vui mừng về kết quả mà các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực hợp tác, đầu tư và trao đổi thương mại thời gian vừa qua, đồng thời khẳng định Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong các hoạt động giao lưu ngoại giao và kinh tế của Pháp.

Khẳng định Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, bà Oghly cho biết kể từ khi Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Pháp quan tâm và xúc tiến dự án đầu tư cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam.

Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris cho biết trao đổi thương mại song phương thời gian qua tập trung vào một số lĩnh vực chính như dược phẩm, nông sản thực phẩm, thiết bị điện tử và hàng dệt may.

Việt Nam đang ở trong thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng và đạt được nhiều thành công trong quá trình hội nhập nhanh vào chuỗi giá trị toàn cầu với hàng chục hiệp định thương mại tự do ở châu Á-Thái Bình Dương và với Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều doanh nghiệp Pháp đã chọn đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì thị trường nội địa đầy tiềm năng mà còn là địa bàn thuận lợi để phát triển kinh doanh ra khu vực ASEAN.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định mặc dù thời gian qua có nhiều biến động gây ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế toàn cầu và khu vực, song Pháp và Việt Nam có nhiều thế mạnh để tăng cường hợp tác kinh tế và đặc biệt là thương mại song phương.

Việc Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp Pháp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu mới nổi tại Việt Nam.

Điểm lại kết quả đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh nhiều mặt hàng nông sản đã vào được thị trường châu Âu, đặc biệt là thị trường Pháp.

Đặc biệt mới đây, gạo Việt Nam lần đầu tiên có mặt trên kệ của các nhà phân phối Pháp, cũng như sản phẩm vải thiều đóng hộp hồi đầu năm.

Điều này phản ánh nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả những người tham gia vào chuỗi sản xuất và tiếp thị và thể hiện sự năng động trong giao thương giữa các công ty Việt Nam với các đối tác Pháp.

[Nhiều dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Pháp]

Tham dự hội thảo với vai trò đại diện Bộ Công thương Việt Nam, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Pháp đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là khi EVFTA có hiệu lực và đang phát huy tác dụng tích cực với thương mại song phương hai chiều.

Việt Nam là một nền kinh tế mở với 17 hiệp định tự do thương mại, trong đó có những hiệp định quan trọng thế hệ mới như CPTPP, RCEP, EVFTA… sẽ là cơ hội rất tốt cho các nhà xuất khẩu của Pháp.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan xúc tiến thương mại và doanh nghiệp hai nước đã có những trao đổi cởi mở nhằm tìm hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tìm cơ hội để tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững trong các lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh, bao gồm sản xuất, chế biến và xuất-nhập khẩu nông sản.

Trao đổi tại hội thảo, các doanh nghiệp Pháp làm ăn tại Việt Nam từ nhiều năm đều khẳng định Việt Nam là điểm đến có nhiều điều kiện thuận lợi như chính trị ổn định, chính sách đầu tư ưu đãi, môi trường đầu tư hấp dẫn, điều kiện địa lý đa dạng, phù hợp với phát triển nông nghiệp.

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đang có chính sách đầu tư rất lớn cho việc chuyển đổi xanh, khuyến khích phát triển các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh thành các thương hiệu hàng đầu thế giới như càphê, hồ tiêu, hạt điều.

Nằm trong số các doanh nghiệp Pháp kinh doanh hiệu quả ở Việt Nam, ông Jean-Luc Vosin, người sáng lập và là Chủ tịch Công ty Les Vergers Du Mékong ở Việt Nam từ năm 2000, đã rất cởi mở trong việc chia sẻ những thành công của mình tại hội thảo.

Ông khẳng định Việt Nam là một đất nước trải dài, có địa hình đa dạng và ở các độ cao khác nhau, vì thế có rất nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp, bao gồm cây ăn trái và rau quả.

Việt Nam đã tận dụng những điều kiện như vậy để trở thành nhà sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, khó khăn chính đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là không biết thị trường cần những gì và để làm rõ điều này, họ cần phải có đối tác là một nhà phân phối tại Pháp.

Theo ông Jean-Luc Vosin, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tận dụng được EVFTA thì điều đơn giản đầu tiên, đó là phải có một sản phẩm tốt, tức là sản phẩm đó phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU.

Để có thể mở rộng kinh doanh và xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam trước hết cần phải nắm được nhu cầu của thị trường, nhất là một thị trường rộng lớn như châu Âu.

Sở thích của người tiêu dùng ở mỗi nước là khác nhau, các nước Bắc Âu như Thuỵ Điển, Phần Lan chưa chắc đã giống người tiêu dùng ở Italy hay Tây Ban Nha.

Các doanh nghiệp mới trước hết chỉ nên tập trung vào một vài thị trường, chẳng hạn công ty của ông chỉ tập trung vào Pháp và Bỉ.

Ông Jean-Luc Vosin cho biết Les Vergers Du Mékong hoạt động rất thành công trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống có lợi cho sức khỏe và là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về hiệu quả xã hội và môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục