Vĩnh Phúc "đau đầu" về việc quy hoạch xây dựng nghĩa trang

Việc quy hoạch và xây dựng nghĩa trang quy mô lớn tập trung tại tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang gặp nhiều khó khăn do chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân.
Vĩnh Phúc "đau đầu" về việc quy hoạch xây dựng nghĩa trang ảnh 1Núi Ngang, Tam Đảo đang được quy hoạch làm nghĩa trang tập trung. (Ảnh: Trọng Lịch/Vietnam+)

Liên tiếp trong nhiều năm qua, việc quy hoạch và xây dựng nghĩa trang quy mô lớn tập trung tại tỉnh Vĩnh Phúc nói chung đã được tỉnh quan tâm và đưa ra bàn luận tại nhiều diễn đàn, hội nghị.

Việc khảo sát, quy hoạch nghĩa trang tại một số địa phương trong tỉnh đã được thực hiện mất nhiều thời gian, công sức với mong muốn nơi đặt nghĩa trang được đông đảo người dân đồng thuận, đảm bảo về vấn đề môi trường...

Tuy nhiên, cho đến nay việc quy hoạch, xây dựng nơi chôn cất người dân khi qua đời ở tỉnh vẫn đang gặp không ít khó khăn, trở ngại do có những luồng ý kiến khác nhau, ý kiến phản đối.

Nếu việc quy hoạch xây dựng này tiếp tục chậm trễ sẽ phát sinh ra nhiều hệ lụy như tình trạng chôn cất người chết vào đất canh tác nông nghiệp, đất ở, gò đồi và đất lưu không gần làng xóm, ven kênh mương gia tăng... Điều này vô tình phá vỡ quỹ đất nông nghiệp, đất ở, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường sống cộng đồng. Trên thực tế điều này đã diễn ra ở không ít địa phương trong tỉnh.

[Quận Thanh Xuân không đồng ý xây dựng "Tháp đôi nghĩa trang"]

Vĩnh Phúc hiện có 104 nghĩa trang liệt sỹ; 2 nghĩa trang nhân dân và 596 nghĩa địa tại các làng xã. Tổng diện tích đất nghĩa trang trên địa bàn Vĩnh Phúc hơn 513ha.

Từ năm 2016-2020 tỉnh đã lập quy hoạch chi tiết các loại nghĩa trang trên địa bàn thành phố, thị xã, các thị trấn huyện lỵ; đóng cửa và di dời phần mộ tại các nghĩa địa và các khu mộ nhỏ lẻ trong khu nội thị của các đô thị vào nghĩa trang tập trung theo quy hoạch (Thành phố Vĩnh Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và các thị trấn, tổng số 48 nghĩa địa).

Ở khu vực nông thôn Vĩnh Phúc, đa phần các nghĩa địa phát triển tự phát, nhiều nơi chưa đảm bảo yêu cầu. Việc bố trí nơi chôn cất, chọn vị trí đặt mộ, hướng mộ đều do thân nhân người mất lựa chọn...

Thành phố Vĩnh Yên có hai nghĩa trang quy mô lớn đang rơi vào tình trạng quá tải, thời gian tới không thể đón nhận thêm một cách ồ ạt. Điển hình như nghĩa trang cây số 4 (Km số 4), tọa lạc tại một quả đồi tại xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, sau nhiều lần mở rộng, hiện tại diện tích nghĩa trang này được nâng lên khoảng 12 ha nhưng nay đã chôn cất gần hết diện tích, không thể mở rộng thêm vì vướng vào đất ở và vườn liền kề, đất canh tác của người dân.

Nghĩa trang cây số 4, ở xã Định Trung cũng đang gây phiền lụy đến người dân lân cận bởi sự ô nhiễm môi trường, mồ mả chôn cất quá gần nơi người dân sinh sống, thậm chí lấn vào đất ruộng vườn của bà con nơi đây.

Nghĩa trang Núi Trống, thuộc địa bàn phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, rộng khoảng 10 ha, sau nhiều năm sử dụng nay cũng sắp đầy mà khó có thể mở rộng thêm vì phạm vi xung quanh hầu hết đã được xác định của các chủ thể khác.

Trước thực trạng nghĩa trang lâm vào cảnh quá tải, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương xây dựng "Công viên nghĩa trang Thiên An Viên" diện tích dự kiến 118ha, nằm trên địa bàn phường Khai Quang, xã Định Trung (thành phố Vĩnh Yên) và một phần đất thuộc địa bàn xã Kim Long (huyện Tam Dương) của tỉnh Vĩnh Phúc.

Song, ngay lập tức có nhiều ý kiến lo ngại việc xây dựng nghĩa trang tại các đô thị đang đối mặt với vấn đề bức xúc nhất là ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Dự án nghĩa trang khác tại xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên cũng có không ít người dân địa bàn này chưa đồng ý vì ảnh hưởng đến cộng đồng.

Mới đây, Vĩnh Phúc lại tập trung nghiên cứu, tìm địa điểm mới, dựa trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc. Thực hiện Quyết định số 1883/QĐ-TTg về "Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 26/10/2011 thì tại mục 8 về "Định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị đến năm 2030", trong đó có điểm "g" về xây dựng công viên nghĩa trang thì nhu cầu đất xây dựng đến năm 2030 là 200ha và địa điểm xây dựng ở khu vực huyện Tam Đảo 100ha; khu vực huyện Bình Xuyên 100ha.

Riêng huyện Tam Đảo, tỉnh quy hoạch một phần Núi Ngang nằm tại xã Bồ Lý làm nghĩa trang tập trung. Ở đây diện tích là 153ha; trong đó đất dự kiến xây nghĩa trang chiếm khoảng 105,5ha. Nghĩa trang này dự kiến có 70.000 mộ phần cải táng và 2 triệu ngăn lưu tro cốt hỏa táng cùng đài hỏa táng...

Tuy nhiên, khi chuẩn bị thực hiện đã gặp những ý kiến phản đối rằng xây nghĩa trang tại đây sẽ ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống dân cư, đặc biệt là làm mất rừng phòng hộ. Đặc biệt, có thông tin mô tả không đầy đủ, thiếu chính xác dẫn đến giới khoa học, nhà quản lý chưa thực sự hiểu đầy đủ vấn đề. Đã có người hiểu lầm Vĩnh Phúc đang chặt phá rừng để thực hiện dự án, rừng ở đây có chất lượng tốt với hệ sinh thái, thảm thực vật phong phú, nhiều cây gỗ lớn, ít bị tác động do con người ... Vì thế, khi nghe phá rừng làm nghĩa trang có những ý kiến chưa ủng hộ.

Để có thông tin đầy đủ, khách quan về vấn đề quy hoạch xây dựng nghĩa trang ở Núi Ngang, chúng tôi đã xuống tận địa bàn tìm hiểu thì được cán bộ xã, người dân cận kề Núi Ngang cho biết, thông tin gần đây về rừng Núi Ngang thuộc địa phận xã Bồ Lý có lúc trái chiều. Có phương tiện truyền thông không cử phóng viên tới làm việc với lãnh đạo địa phương nhưng lại có những thông tin về phá rừng, đề cao quá mức rừng núi nơi đây.

Núi Ngang nằm trọn trên địa bàn 3 xã Đạo Trù, Đại Đình, Bồ Lý thuộc Huyện Tam Đảo có diện tích khoảng 500ha. Theo thực tế hiện tại, khoảng 350ha rừng ở vị trí núi Ngang nằm trên địa bàn 2 xã Đạo Trù và Đại Đình đã được chuyển đổi thành rừng sản xuất, chỉ còn khoảng 150ha đất rừng thuộc xã Bồ Lý là rừng phòng hộ.

Trước những khó khăn về quy hoạch xây dựng nghĩa trang, Vĩnh Phúc cần tranh thủ các ý kiến đóng góp, sự tư vấn của giới quản lý tài giỏi, các nhà khoa học giàu kiến thức kinh nghiệm... để thông qua đó có chủ trương, có những đề xuất, quyết sách đúng đắn. Vĩnh Phúc cũng cần có hội thảo hoặc hội nghị bàn việc việc xây dựng nghĩa trang; đồng thời tạo điều kiện để các nhà quản lý, nhà khoa học phải đi thực tế, tìm hiểu thật kỹ đặc điểm tự nhiên, xã hội tại địa phương trong tỉnh mới có những tư vấn, "hiến kế" đúng ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục