Vụ Việt Á: Làm rõ thủ đoạn của Giám đốc Công ty Nam Phong

Để được bán bộ sinh phẩm xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất cho Bệnh viện Thủ Đức, Phong chi 1,15 tỷ đồng cho Lê Trung Nguyên vì đã giúp Phong bán được bộ sinh phẩm xét nghiệm cho Bệnh viện.
Vụ Việt Á: Làm rõ thủ đoạn của Giám đốc Công ty Nam Phong ảnh 1Bị can Phạm Vũ Phong. (Ảnh: TTXVN phát)

Liên quan đến vụ án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiết kế Xây dựng và Dịch vụ Nam Phong (gọi tắt là Công ty Nam Phong) nâng giá bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 (kit test) của Công ty Việt Á để bán cho Bệnh viện Thủ Đức, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung điều tra vụ án, qua đó bước đầu đã làm rõ thủ đoạn của Giám đốc Công ty Nam Phong.

Công ty Việt Á chi “tiền hoa hồng” 4% giá trị hợp đồng

Theo Cơ quan điều tra, vào khoảng giữa năm 2020, Công ty Việt Á có cử nhân viên Lê Trung Nguyên (đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an bắt trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á ngày 17/12/2021) đến Bệnh viện Thủ Đức giới thiệu về bộ sinh phẩm xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất và hỗ trợ, hướng dẫn Khoa Vi sinh sử dụng, điều chỉnh máy xét nghiệm COVID-19.

Trong quá trình sử dụng thử nghiệm bộ sinh phẩm xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, Khoa Vi sinh có báo cáo Giám đốc bệnh viện về sản phẩm này do Công ty Việt Á sản xuất có nhiều ưu điểm (đóng gói sẵn, tiết kiệm thời gian xét nghiệm...), đáp ứng tính cấp bách trong giai đoạn dịch.

Giám đốc bệnh viện lúc đó là Nguyễn Minh Quân (đã bị Cơ quan điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam trong một vụ án khác) chỉ đạo Phòng Vật tư thực hiện mua bộ sinh phẩm xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất để sử dụng chống dịch.

Bà N.T.N.B. (Trưởng phòng Vật tư) phân công Trương Thị Bảo Trân - nhân viên Phòng Vật tư phụ trách làm hồ sơ, thủ tục mua bộ sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Vào tháng 8 và 9/2020, Bệnh viện Thủ Đức đã ký hai hợp đồng mua bộ sinh phẩm xét nghiệm trực tiếp từ Công ty Việt Á, tổng cộng năm bộ (50 kit/bộ), tổng trị giá 131 triệu 250.000 đồng, đơn giá 525.000 đồng/kit và đã thanh toán tiền cho Công ty Việt Á.

Ngày 11/2/2021, Trương Thị Bảo Trân gọi điện cho Lê Trung Nguyên đặt mua khoảng 300 bộ sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á sản xuất nhưng giao hàng trước, thanh toán sau. Nguyên đồng ý nhưng nói Công ty Việt Á sẽ bán hàng qua Công ty Nam Phong là đơn vị được Công ty Việt Á ủy quyền bán bộ sinh phẩm xét nghiệm.

Vụ Việt Á: Làm rõ thủ đoạn của Giám đốc Công ty Nam Phong ảnh 2Bị can Phan Quốc Việt, nguyên Tổng giám đốc Việt Á Corp. (Nguồn: Vietacorp)

Cùng ngày, Công ty Nam Phong đã giao khoảng 300 bộ sinh phẩm xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất cho Bệnh viện Thủ Đức nhưng chưa thanh toán tiền. Từ đó trở về sau, Trân đã nhiều lần liên hệ Công ty Nam Phong để đặt mua bộ sinh phẩm xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất nhưng chưa thanh toán tiền và chưa làm thủ tục chỉ định thầu.

Đến tháng 5/2021, Bệnh viện Thủ Đức tiếp tục mua bộ sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Nam Phong theo hình thức chỉ định thầu rút gọn. Hồ sơ về việc chỉ định thầu mua bộ sinh phẩm xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất từ Công ty Nam Phong đều do Trân thực hiện, soạn thảo và trình Nguyễn Minh Quân ký (Trân không ký trên hồ sơ). Số lượng sinh phẩm xét nghiệm mua từ tháng 2-7/2021 theo đơn giá của Công ty Việt Á là 509.250 đồng/kit. Số lượng mua từ tháng 7-9/2021 theo đơn giá 470.000 đồng/kit do Bộ Y tế công bố.

Sau đó, Công ty Nam Phong đề nghị thanh toán tiền đã mua bộ sinh phẩm xét nghiệm giao trước đó nên theo chỉ đạo của Phòng Vật tư, Trân làm hồ sơ chỉ định thầu cho Công ty Nam Phong để hợp thức số lượng sinh phẩm xét nghiệm đã nhận trước đó.

[Bắt Giám đốc Công ty Nam Phong vì nâng khống giá bộ xét nghiệm Việt Á]

Theo quy định phải có ba bảng báo giá của ba đơn vị khác nhau nên Trân yêu cầu và hướng dẫn M.V.K (nhân viên Công ty Nam Phong) làm ba bảng báo giá gồm của Công ty Nam Phong theo giá của Công ty Việt Á, bảng báo giá của 2 Công ty còn lại phải cao hơn đơn giá của Công ty Nam Phong, mục đích để chỉ định thầu cho Công ty Nam Phong.

Sau đó, M.V.K đưa ba bảng báo giá cho Trân gồm của Công ty Nam Phong, Công ty GENE (là Công ty của bạn Phạm Vũ Phong) và Công ty NP-SG (là Công ty do Phạm Vũ Phong thành lập, nhờ em gái Phong là Phạm Kim Thi đứng tên).

Trương Thị Bảo Trân làm các Quyết định chỉ định thầu, hợp đồng mua bán và thủ tục thanh toán sau. Khoảng tháng 6/2021, Lê Trung Nguyên nói với Trân là sẽ chi tiền cảm ơn (tiền hoa hồng) cho Trân với tỷ lệ 4% giá trị hợp đồng và Trân đồng ý nhận. Từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2021, từ tài khoản của Nguyên đã chuyển vào tài khoản của chồng Trân tổng cộng 997 triệu đồng.

Thủ đoạn hưởng chiết khấu của Công ty Nam Phong

Tại Cơ quan điều tra, Phạm Vũ Phong khai nhận quy trình về việc mua hàng của Công ty Việt Á bán hàng cho Bệnh viện Thủ Đức và hưởng hoa hồng.

Theo Phong, ban đầu Công ty Việt Á không đồng ý bán hàng cho Công ty Nam Phong nên Phong đã sử dụng pháp nhân Công ty NP-SG để đặt mua bộ sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á, rồi làm thủ tục Công ty NP-SG bán hàng cho Công ty Nam Phong, sau đó Công ty Nam Phong bán hàng cho Bệnh viện Thủ Đức.

Vụ Việt Á: Làm rõ thủ đoạn của Giám đốc Công ty Nam Phong ảnh 3Bị can Trương Thị Bảo Trân. (Ảnh: TTXVN phát)

Công ty Việt Á chi hoa hồng cho Công ty NP-SG từ 30% đến 40%/số lượng hàng mua bằng cách mỗi đơn hàng, Công ty Việt Á sẽ xuất 2 hóa đơn, trong đó 1 hóa đơn với số lượng hàng và tổng trị giá thanh toán chỉ 60-70%/trên đơn hàng (theo giá của Công ty Việt Á niêm yết); 1 hóa đơn với số lượng 30-40% còn lại của đơn hàng, trị giá bằng 0 và nội dung hóa đơn sẽ ghi là hàng tặng nhưng Công ty Nam Phong sẽ bán toàn bộ số lượng trong đơn hàng cho Bệnh viện Thủ Đức, nhận đủ tiền thanh toán.

Sau khi bệnh viện thanh toán tiền cho Công ty Nam Phong, Công ty Nam Phong sẽ chuyển tiền cho Công ty NP-SG để hợp thức giao dịch mua bán; chuyển thanh toán tiền mua hàng cho các đơn vị, cá nhân khác và rút tiền mặt chi phí hoạt động.

Đến khoảng tháng 9/2021, Công ty Việt Á mới đồng ý bán hàng cho Công ty Nam Phong nên lúc này Công ty Nam Phong trực tiếp mua hàng của Công ty Việt Á để bán lại cho Bệnh viện Thủ Đức. Theo hồ sơ, Bệnh viện Thủ Đức đã thanh toán cho Công ty Nam Phong 24,3 tỷ đồng (1 hợp đồng chào hàng cạnh tranh và 27/37 hợp đồng chỉ định thầu), số tiền chiết khấu được hưởng từ Công ty Việt Á là hơn 10,8 tỷ đồng.

Phạm Vũ Phong khai, để được bán bộ sinh phẩm xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất cho Bệnh viện Thủ Đức, Phong chi 1,15 tỷ đồng cho Lê Trung Nguyên vì đã giúp Phong bán được bộ sinh phẩm xét nghiệm cho Bệnh viện Thủ Đức. Ngoài ra, theo yêu cầu của Nguyên, phải chi tiền hoa hồng cho Trân là 4% trị giá hợp đồng nên Phong đã đề nghị vợ chuyển khoản số tiền 997 triệu đồng đến tài khoản của Nguyên để Nguyên chuyển cho Trân.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi sai phạm của các bị can đã gây thiệt hại cho Bệnh viện Thủ Đức hơn 10,8 tỷ đồng, chính là số tiền mà Công ty Việt Á triết khấu cho Công ty Nam Phong. Cơ quan điều tra đang tập trung mở rộng điều tra vụ án, làm rõ những lời khai bị can Trương Thị Bảo Trân về nội dung nhận chỉ đạo của lãnh đạo bệnh viện trong việc liên hệ Công ty Việt Á, Công ty Nam Phong để mua bộ sinh phẩm xét nghiệm.

Như Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, ngày 15/1, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê chuẩn các Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố đối với bị can Phạm Vũ Phong, Giám đốc Công ty Nam Phong để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ" theo Điều 222 và 364 Bộ luật Hình sự 2015; phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trương Thị Bảo Trân (nhân viên Phòng Vật tư Bệnh viện Thủ Đức) để điều tra về tội "Nhận hối lộ" theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015. Hiện Trân đã nộp lại số tiền hoa hồng được hưởng cho Cơ quan điều tra.

Việc Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, khởi tố vụ án và các bị can nêu trên thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Công an thành phố trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an về điều tra, xử lý các vi phạm liên quan đến Công ty Việt Á; đồng thời thể hiện sự tích cực, kịp thời trong điều tra làm rõ chuỗi các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Việt Á và các tổ chức, cá nhân liên quan trong sản xuất, kinh doanh sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, xử lý nghiêm đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục