WTO cảnh báo về những trở ngại đối với sự phục hồi kinh tế thế giới

Theo WTO, việc các chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ và sự chênh lệch trong chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 giữa các quốc gia là hai mối nguy có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Cảng container ở Hamburg, Đức ngày 14/11/2019. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Cảng container ở Hamburg, Đức ngày 14/11/2019. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Tờ Le Monde dẫn dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 4/10 cho biết hiện đang có hai mối nguy đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu, có khả năng khiến thế giới quay trở lại "thời kỳ bất ổn."

Thứ nhất, giá cả tăng nhanh có thể dẫn đến việc các chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến cho trao đổi thương mại bị cản trở.

Thứ hai, đại dịch có thể quay trở lại và "có thể gây ra những rủi ro thậm chí còn lớn hơn đối với sản xuất và trao đổi thương mại toàn cầu, nếu xuất hiện nhiều biến thể gây chết người hơn." Do đó việc tăng tốc sản xuất và phân phối vaccine đóng một vai trò quan trọng.

Việc dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế để tăng sản lượng vaccine, cũng như lưu hành tự do các thành phần tạo ra vaccine, có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch và phục hồi toàn cầu.

Trong khi hơn 6 tỷ liều vaccine đã được sản xuất trên toàn thế giới, chỉ có 2,2% dân số ở các nước thu nhập thấp được nhận ít nhất một liều.

WTO cảnh báo: "Sự chênh lệch quá khác biệt này sẽ tạo điều kiện cho nguy cơ xuất hiện và lây lan các dạng virus mới có khả năng vô hiệu hóa vaccine, điều này có thể dẫn đến việc áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế dịch bệnh ở nhiều nước, khiến cho các hoạt động kinh tế bị tê liệt trở lại."

[UNCTAD dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh nhất trong 50 năm]

Ngoài ra, cũng theo WTO, tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu được dự báo sẽ vượt ngưỡng 10% trong năm 2021.

Theo WTO, được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế, trao đổi thương mại hàng hóa thế giới đang trên đà tăng mạnh và sẽ đạt 10,8% trong năm 2021.

Nguyên nhân của sự tăng tốc này có thể là do các hoạt động thương mại đã được khôi phục sau một khoảng thời gian bị ngưng trệ do các đợt giãn cách xã hội được áp dụng từ năm 2020 vì sự lây lan của đại dịch COVID-19.

WTO cho biết, việc đóng cửa các bến cảng, bùng nổ giá vận tải biển và gián đoạn nguồn cung trong một số lĩnh vực nhất định như chất bán dẫn khiến nhiều hoạt động thương mại thế giới bị ngưng trệ, nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động giao thương, và "dự kiến sẽ không có tác động lớn trên quy mô toàn cầu."

Năm 2021, khối lượng trao đổi thương mại được dự đoán sẽ tăng nhanh gấp đôi so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sau khi cả hai chỉ số này đều tăng cùng tốc độ trong những năm gần đây.

WTO dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng 5,3% trong năm 2021, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,8% của năm ngoái.

Hoạt động kinh tế trong thời kỳ đại dịch được đánh dấu bằng sự gia tăng tiêu thụ hàng hóa mang tính bền vững, mang lại lợi ích cho các nước châu Á vốn bị tổn hại vì thất thu các dịch vụ như du lịch và phục vụ ăn uống.

Từ năm 2019 đến quý cuối cùng của năm 2022, xuất khẩu được dự đoán sẽ tăng 18,8% ở châu Á, cao hơn nhiều so với các khu vực khác, như Bắc Mỹ (8%), châu Âu (7,8%), Nam Mỹ (4,8 %), Trung Đông (2,9%) và châu Phi (1,9%)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục