Mỹ lo ngại tình trạng mất giá của các đồng nội tệ châu Á

Mỹ quan ngại tình trạng các đồng nội tệ của Trung Quốc, Hàn Quốc mất giá do các hành động can thiệp của chính phủ các nước này.

Ngày 15/4, Bộ Tài chính Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại tình trạng các đồng nội tệ của Trung Quốc, Hàn Quốc mất giá trong thời gian gần đây do các hành động can thiệp của chính phủ các nước này.

Trong báo cáo định kỳ nửa năm về Các Chính sách hối đoái và kinh tế quốc tế trình Quốc hội, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm giá mạnh kể từ đầu tháng Một vừa qua.

Washington cảnh báo xu thế này tiếp diễn có thể gây ra những quan ngại đặc biệt nghiêm trọng vì nó thể hiện sự đi ngược lại hoàn toàn với cam kết của Bắc Kinh về việc không tìm cách kiểm soát đồng tiền này.

Mỹ khẳng định Bắc Kinh vẫn tiếp tục thực hiện các vụ mua vào ngoại tệ với quy mô lớn trong quý đầu năm nay bất chấp dự trữ ngoại tệ nước này hiện đã lên tới 3.800 tỷ USD, mức cao nhất thế giới. Mỹ chỉ trích hành động này là nhằm ngăn cản vai trò của thị trường trong việc định giá đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, Washington từ chối đưa ra lời cáo buộc Bắc Kinh đã thao túng đồng tiền này.

Đây là lần thứ 11 liên tiếp, Bộ Tài chính Mỹ không chính thức cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nội tệ. Giới phân tích cho rằng mục tiêu của động thái này là nhằm tạo cơ hội cho đàm phán thương mại Mỹ-Trung đạt được tiến triển.

Trong báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ xác nhận đồng nhân dân tệ đã được thả nổi một phần, song vẫn cho rằng sự thả nổi này là chưa đạt đến mức cần thiết.

Theo báo cáo, trong năm 2013, giá đồng nhân dân tệ đã tăng 2,9% so với USD và thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc hiện nay giảm xuống còn 2,1% GDP so với mức 2,3% GDP trong năm 2012 và mức kỷ lục 10% của năm 2007.

Tuy nhiên Washington cho rằng đồng nhân dân tệ vẫn ở mức thấp hơn so với giá trị thực và các sức ép của thị trường cho thấy đồng tiền này sẽ nhanh chóng tăng giá nếu như các hoạt động kiểm soát của chính phủ được nới lỏng hơn nữa.

Trước đó, ngày 15/3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương, đã tuyên bố nới rộng biên độ dao động tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ so với đồng USD trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng, từ 1% lên 2%, nhằm giảm sự can thiệp của chính phủ và cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc định giá đồng tiền này.

Báo cáo đánh giá giới lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ cải cách tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, sự mất giá gần đây của đồng nhân dân tệ cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường nhiều hơn nữa tính minh bạch trong các hành động của Bắc Kinh đối với thị trường hối đoái.

Bộ Tài chính Mỹ cam kết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ biến động của đồng nhân dân tệ và sẽ gây sức ép yêu cầu Trung Quốc có thêm những thay đổi chính sách nhằm hướng tới mục tiêu để cho thị trường định giá đồng tiền này.

Washington cho rằng việc định giá đúng đồng nhân dân tệ có vai trò rất quan trọng trong việc tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc và bảo đảm tăng trưởng bền vững. Hiện tại, Trung Quốc là nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất trên thị trường Mỹ.

Về phần mình, Phó Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Dị Cương (Yi Gang) cho rằng việc đồng nhân dân tệ bị mất giá gần đây là bình thường và khẳng định Trung Quốc vẫn tiếp tục các cải cách việc kiểm soát tỷ giá hối đoái.

Ông dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ tăng giá vì việc nới rộng biên độ giao động sẽ khiến cho các biến động tỷ giá có tính chất hai chiều thay vì một chiều như trước đây.

Lãnh đạo ngân hàng trung ương Trung Quốc bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, thế giới sẽ nhìn thấy rõ hơn cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái toàn diện của Trung Quốc đang tiếp tục đi theo phương thức do thị trường định hướng.

Các chuyên gia phân tích cho rằng trước đây, trong bối cảnh đồng nhân dân tệ chỉ tăng giá một chiều, không ít nhà đầu tư chỉ mua nhân dân tệ và bán USD.

Sau khi nới rộng biên độ dao động, không gian tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ giảm cũng sẽ mở rộng, vì vậy rủi ro đối với các hoạt động mang tính đầu cơ sẽ tăng lên và để tránh rủi ro, những nhà đầu tư này sẽ phải bán ra nhân dân tệ và mua vào USD. Điều này sẽ tạo ra áp lực nhất định đến tỷ giá của đồng tiền này.

Bên cạnh đó, sau khi nới rộng biên độ, tình trạng biến động hai chiều của đồng nhân dân tệ sẽ trở nên bình thường nhưng vốn ngoại hối của doanh nghiệp và hoạt động ngoại thương sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

Bộ Tài chính Mỹ cũng chỉ trích sự can thiệp sâu của Hàn Quốc trên danh nghĩa bảo vệ đồng won và sự phụ thuộc vào xuất khẩu của nước này.

Mặc dù Seoul không công bố bất cứ số liệu nào liên quan đến vai trò của chính phủ trong việc kiểm soát đồng won, song Mỹ cho rằng trong nửa cuối năm 2013, Hàn Quốc đã bán đồng won trong giai đoạn 2012-2013 để ngăn chặn đà tăng giá trên thị trường tự do.

Theo Mỹ, Seoul cần tăng độ minh bạch trong các hoạt động can thiệp vào tỷ giá hối đoái và chỉ nên can thiệp trong các trường hợp ngoại lệ do diễn biến bất thường của thị trường.

Mỹ cho biết Hàn Quốc đã đề ra kế hoạch để giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và việc thả nổi đồng won tự điều chỉnh đúng với giá trị của nó sẽ là một công cụ quan trọng hỗ trợ các kế hoạch này.

Đối với Nhật Bản, Washington xác nhận Tokyo đã không có bất cứ hành động nào can thiệp đến đồng yen trong hai năm qua. Mặc dù vậy, Bộ Tài chính Mỹ cho biết vẫn sẽ giám sát chặt chẽ các chính sách của Nhật Bản cũng như mức độ chính phủ hỗ trợ nhằm kích cầu trong nước.

Trong báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục kêu gọi các cường quốc xuất khẩu ở châu Á tái cân bằng nền kinh tế, tăng cường vai trò của tiêu dùng trong nước và giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu.

Đối với châu Âu, Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ khuyến khích các nước trong Khu vực đồng euro có thặng dư thương mại lớn với Mỹ hành động để kích cầu nội địa, qua đó giảm thặng dư trong xuất khẩu.

Đạo luật Cạnh tranh và thương mại 1988 của Mỹ yêu cầu Bộ Tài chính xác định những đối tác có thặng dư thương mại lớn với của Mỹ thao túng nội tệ nhằm tạo lợi thế xuất khẩu, từ đó sẽ chuyển cho Quốc hội áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Lần cuối cùng Bộ Tài chính Mỹ đưa ra cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ là vào năm 1994, dưới thời Tổng thống Bill Clinton./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục