Trung Quốc sẽ đánh mất hình ảnh nếu không tuân thủ phán quyết của PCA

Tiến sỹ Seo In Won, nghiên cứu viên thuộc Viện nghiên cứu Khoa học xã hội châu Á và là chuyên gia trong lĩnh vực luật biển quốc tế của Hàn Quốc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Seoul.
Trung Quốc sẽ đánh mất hình ảnh nếu không tuân thủ phán quyết của PCA ảnh 1Tiến sỹ Seo In Won trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Seoul. (Ảnh: Vũ Toàn-Phạm Duy/Vietnam+)

Ngày 23/7,  ​tiến sỹ Seo In Won, nghiên cứu viên thuộc Viện nghiên cứu Khoa học xã hội châu Á và là chuyên gia trong lĩnh vực luật biển quốc tế của Hàn Quốc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Seoul​.

- Như ông đã biết, ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường chín đoạn” tại Biển Đông, trong đó đáng chú ý PCA đã bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh khi cho rằng “không có cơ sở pháp lý nào cho Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền lịch sử đối với tài nguyên trong khu vực "đường chín đoạn" ở Biển Đông.

Xin ông cho biết đánh giá về ý nghĩa của phán quyết trên, đặc biệt là tác động của nó đối với việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong thời gian tới?

Tiến sỹ Seo In Won: Chúng ta có thể thấy Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) là một ví dụ tốt để đưa ra một giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp lãnh thổ trên biển trong cộng đồng quốc tế, đồng thời để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp nguồn tài nguyên và tranh chấp lãnh thổ trên biển trong tương lai của cộng đồng quốc tế, cần phải tuân thủ và thực hiện theo phán quyết này.

Đặc biệt, Trung Quốc, một quốc gia thành viên đã tham gia phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết và dĩ nhiên phải chấp nhận kết quả này với tư cách một thành viên của cộng đồng quốc tế.

Trong tương lai, với phán quyết này, chủ trương của Trung Quốc về quyền quản lý trên Biển Đông đã bị mất đi tính chính đáng về mặt luật pháp quốc tế và chủ trương thiết lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) dựa trên việc xây dựng đảo nhân tạo tại khu vực biển Đông của Trung Quốc sẽ bị giảm đi tính thuyết phục trên phương diện pháp lý.

Ngoài ra, phán quyết này sẽ trở thành thước đo cơ bản được sử dụng để giải quyết các tranh chấp giữa các bên tại Biển Đông.

- Sau phán quyết trên, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra phản ứng của mình. Trong đó, đáng chú ý Trung Quốc tiếp tục tuyên bố “không công nhận và không chấp nhận” phán quyết trên của PCA. Ông có đánh giá như thế nào về phản ứng trên của Trung Quốc? Liệu trong thời gian tới Trung Quốc có thể có những hành động nào nhằm phản đối phán quyết trên của PCA?

Tiến sỹ Seo In Won: Nếu Trung Quốc coi thường phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực, chủ trương chiếm hữu Biển Đông và tạo ra những tranh chấp trong khu vực Đông Nam Á thì Trung Quốc sẽ đánh mất đi hình ảnh quốc gia của mình trong cộng đồng Quốc tế và vị thế ngoại giao của Trung Quốc, với tư cách một nước lớn đang trong quá trình trở thành quốc gia phát triển, sẽ giảm xuống.

Gần đây, việc Trung Quốc phái tàu chiến và ngăn cản đánh bắt hải sản của Philippines là hành vi phá hoại quan hệ hòa bình với các nước xung quanh, tạo ra một tranh chấp trong khu vực Đông Nam Á bằng chủ nghĩa bá quyền.

Trong tương lai, có thể thấy sự bất mãn của Trung Quốc đối với phán quyết này sẽ được thể hiện trực tiếp thông qua việc gia tăng các căng thẳng trong quân sự và trong vấn đề đánh bắt cá tại khu vực Đông Nam Á.

Trung Quốc sẽ tăng cường huấn luyện quân sự trên thực địa và nâng cao năng lực phản ứng quân sự trên Biển Đông.

Trung Quốc chủ yếu sẽ xây dựng đảo nhân tạo, tăng cường giám sát, canh gác để bảo vệ sự an toàn của vùng hải phận, không phận và bổ sung các thiết bị quân sự.

- Nhiều nhà quan sát quốc tế không loại trừ khả năng phán quyết trên của PCA có thể khiến một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, có các hành động đẩy cao căng thẳng tại Biển Đông?

Ông nhận định gì về khả năng này? Và liệu trong trường hợp đó, chính phủ Hàn Quốc sẽ có phản ứng như thế nào?

Tiến sỹ Seo In Won: Đối với kết quả của phán quyết này, Chính phủ Trung Quốc sẽ không công nhận và sẽ tiếp tục tạo ra những căng thẳng về quân sự tại biển Đông, đồng thời sẽ tiếp tục tăng cường các tuyên bố về chủ quyền của mình.

Tủy theo mức độ thể hiện lập trường của các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc sẽ tác động gây ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ chính trị-kinh tế theo hướng lợi hoặc hại, đặc biệt là về lĩnh vực kinh tế như các vấn đề thuế xuất nhập khẩu, vấn đề năng lượng…

Trong trường hợp này, Chính phủ Hàn Quốc cần giữ lập trường trung lập và bình tĩnh, ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

- Hàn Quốc có lợi ích to lớn ở Biển Đông và ủng hộ việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực này. Ngày 13/7, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra phản ứng chính thức về phán quyết của PCA, trong đó kêu gọi thực hiện “các nỗ lực ngoại giao hòa bình và sáng tạo” để giải quyết tranh chấp về Biển Đông.

Xin ông cho biết đánh giá về phản ứng trên của Chính phủ Hàn Quốc?

Tiến sỹ Seo In Won: Tôi nghĩ rằng đối với vấn đề tranh chấp nhạy cảm trên Biển Đông, phản ứng của chính phủ Hàn Quốc kêu gọi một giải pháp hòa bình và tuân thủ các nguyên tắc quốc tế là hợp lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục