10 sự kiện nổi bật của ngành tài chính trong năm 2021

Trong bối cảnh COVID-19, Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp điều hành ngân sách Nhà nước tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân khó khăn...
10 sự kiện nổi bật của ngành tài chính trong năm 2021 ảnh 1Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa phục vụ hiệu quả phòng chống dịch COVID-19 hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách, là một trong những sự kiện nổi bật của ngành tài chính trong một năm qua.

Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của ngành tài chính trong năm 2021, do Bộ Tài chính bình chọn.

Chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt

Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế - xã hội, tạo sức ép rất lớn đến cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Kết quả thực hiện thu ngân sách Nhà nước năm 2021 ước vượt dự toán 4-5%.

Về chi ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, kinh phí công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ và nguồn lực hợp pháp khác (gồm tiền lương còn dư) để chi phòng, chống dịch COVID-19. Bộ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hôi bố trí 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 để mua vaccine và bổ sung 14.620 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương vào dự phòng ngân sách trung ương để chi cho phòng, chống dịch.

Nhờ vậy, các chỉ tiêu về bội chi, nợ công, nợ Chính phủ đều trong phạm vi Quốc hội quyết định (không quá 4% GDP, 46,1% GDP, 41,9% GDP).  

Kịp thời thành lập và quản lý Quỹ vaccine

Ngày 26/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và giao cho Bộ Tài chính quản lý Quỹ.

Theo đó, Bộ Tài chính đã nhanh chóng thành lập Ban Quản lý Quỹ và giao cho Kho bạc Nhà nước tổ chức triển khai, quản lý, vận hành Quỹ.    

Tính ngày 23/12, Quỹ đã ghi nhận hơn 580.000 tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ 8.800 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 56 tỷ đồng). Số dư Quỹ cuối ngày 1.129 tỷ đồng và tổng số chi 7.671,5 tỷ đồng (xuất mua vaccine là 7.667 tỷ đồng, hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine là 4,6 tỷ đồng).

Triển khai hóa đơn điện tử

Năm 2021 là dấu mốc quan trọng trong công tác triển khai hóa đơn điện tử của ngành thuế với việc chính thức kích hoạt lộ trình triển khai hệ thống hóa đơn điện tử theo định dạng chuẩn.

Theo đó, 6 cục thuế thực hiện giai đoạn 1 ghi nhận số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn chiếm khoảng 70% toàn quốc, kết quả thành công sẽ tạo nền tảng để triển khai tại 57 địa phương còn lại thuộc giai đoạn 2, đảm bảo đến ngày 30/6/2022 đạt 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử và chính thức “xóa sổ” hóa đơn giấy.

Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu

Ngày 30/11, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức cán mốc 600 tỷ USD. Đây là một kết quả ấn tượng cho sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ Tài chính và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua.

Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước của ngành Hải quan năm 2021 ước đạt 370.000 tỷ đồng bằng 117% dự toán (315.000 tỷ đồng), bằng 110% chỉ tiêu phấn đấu (335.000 tỷ đồng), tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam

Ngày 11/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) chính thức ra mắt đã đánh dấu cột mốc phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam. VNX ra đời đã thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường.

Năm 2021 cũng đánh dấu chặng đường 25 năm của ngành Chứng khoán Việt Nam, trong đó có 21 năm vận hành thị trường chứng khoán.

Hiện, thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng vượt bậc và đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng. Trên thị trường cổ phiếu, VN-Index vượt mốc 1.500 điểm là mốc cao nhất kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 27.000 tỷ đồng/phiên, gấp 2 lần năm 2020 đồng thời số lượng nhà đầu tư mở mới đạt kỷ lục, riêng 11 tháng/2021 nhà đầu tư mở mới hơn 1,1 triệu tài khoản, cao hơn luỹ kế 4 năm liên tiếp từ 2017 đến 2020.

Tính đến tháng Mười, quy mô vốn hoá cổ phiếu và dư nợ trái phiếu đạt trên 163% GDP năm 2020.

10 sự kiện nổi bật của ngành tài chính trong năm 2021 ảnh 2Ảnh minh họa.

Tham mưu và trình kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng COVID-19

Năm 2021, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp và khó lường do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đòi hỏi chính sách tài chính phải chủ động, linh hoạt.

Theo đó, công tác xây dựng thể chế, chính sách của ngành Tài chính đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong năm 2021, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo 28 Nghị định, 8 Quyết định được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành 109 thông tư về tài chính-ngân sách, trong đó có nhiều các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của dịch COVID-19. Số tiền khoảng 140.000 tỷ đồng từ thực hiện các chính sách hỗ trợ đã kịp thời góp phần giúp đỡ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, sớm ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thông qua kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025

Bộ Tài chính đã hoàn thành Báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm (giai đoạn 2021-2025), trình Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 với mục tiêu tổng quát là huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả tổng thể các nguồn lực bên trong và bên ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Tài chính công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam

Tại Quyết định số 1676/QĐ-BTC ngày 1/9, Bộ Tài chính đã công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1 bao gồm: Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 01 “Trình bày báo cáo tài chính”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 02 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 12 “Hàng tồn kho”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 17 “Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 31 “Tài sản vô hình”.

Việc công bố các chuẩn mực kế toán công Việt Nam nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán, tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và tại các đơn vị trong lĩnh vực công.

Ngành Tài chính tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin

Trong năm 2021, Bộ Tài chính đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) 2020, đóng góp vào thành tích 7 năm liên tiếp (từ 2014-2020) Bộ Tài chính đứng trong nhóm 3 Bộ đứng đầu về Par Index.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính được vinh danh xếp vị trí thứ Nhất về mức độ chuyển đổi số năm 2020 (với giá trị DTI 0,4944) trong 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index (chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin) khối các bộ, ngành do Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam đánh giá và công bố. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp (từ 2013-2020), Bộ Tài chính giữ vững ngôi vị này.

Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế về tài chính

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, mặc dù việc tham gia các hoạt động hợp tác tài chính chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, song Bộ Tài chính đã chủ động tham gia tích cực và đầy đủ vào các hoạt động hợp tác trong các tiến trình hợp tác tài chính của khu vực và đa phương, như Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN/ASEAN+3 năm 2021; Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2021.

Qua các kênh hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các sáng kiến, tuyên bố chung giữa các nước thành viên, giúp tăng cường chia sẻ kinh nghiệm để áp dụng thành công các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ ứng phó với đại dịch COVID-19. Những sáng kiến và nội dung của các Hội nghị đã giúp các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam có thêm nhiều thông tin, kinh nghiệm để vượt qua thách thức, tiến tới phục hồi kinh tế vĩ mô, tài chính, góp phần hỗ trợ Chính phủ đẩy lùi đại dịch và thực hiện tốt mục tiêu kép./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục