6 nguy cơ khiến nền kinh tế Anh không phục hồi nhanh như kỳ vọng

Sự phục hồi chậm chạp hơn ở châu Âu có nguy cơ trở thành một lực cản lớn đối với sự phục hồi của nền kinh tế Anh. Nước Anh đã rời khỏi EU nhưng sẽ vẫn bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm của láng giềng.
6 nguy cơ khiến nền kinh tế Anh không phục hồi nhanh như kỳ vọng ảnh 1Cảnh vắng vẻ tại London, Anh, do đại dịch COVID-19 ngày 24/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Không phải tất cả các dữ liệu theo thời gian thực mới nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia đều đáng khích lệ, nhưng nhìn chung, các số liệu này đều cho thấy chiều hướng đi lên.

Cụ thể, lưu lượng khách hàng đến cửa hàng bán lẻ và số công ty thành lập mới đều tăng nhẹ, trong khi số lượng quảng cáo việc làm trực tuyến cũng đi lên. Lưu lượng xe cơ giới tham gia giao thông hàng tuần đạt 68%, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, dữ liệu thuế thu nhập cho thấy việc làm đang tăng trở lại, trái ngược với số liệu chính thức về thị trường lao động, với 20% lao động trong lĩnh vực tư nhân đang nghỉ phép tính đến tuần trước. Vay nợ của chính phủ trong tháng 1/2021 cũng thấp hơn dự kiến.

[Kinh tế Anh năm 2020 suy thoái mạnh nhất trong hơn 300 năm]

Một điểm đáng chú ý là các hoạt động kinh tế tại Anh đã tích cực hơn đáng kể so với lần phong tỏa đầu tiên. Điều đó một phần là do các biện pháp trong đợt phong tỏa này ít nghiêm ngặt hơn, nhưng cũng một phần là do các biện pháp này bị phớt lờ nhiều hơn.

Tuy nhiên, nhìn chung, các hộ gia đình và doanh nghiệp đã quản lý công việc của mình tốt hơn nhiều trong điều kiện bị phong tỏa.

Điều này không chỉ báo hiệu một sự phục hồi mạnh mẽ kể từ quý 2 và quý 3 trở đi, mà còn là triển vọng tăng năng suất trong tương lai.

Mặc dù vậy, theo tờ Telegraph, vẫn có sáu mối đe dọa đối với sự phục hồi của nền kinh tế Anh sau đại dịch.

Thứ nhất, dù vắcxin được triển khai tiêm chủng, virus SARS-CoV-2 vẫn chứng tỏ khả năng tồn tại lâu hơn chúng ta nghĩ và do đó thời điểm chính phủ có thể loại bỏ hoàn toàn các biện pháp phong tỏa và hạn chế lùi xa hơn trong tương lai. Hiện tại, các dữ liệu có thể lạc quan, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ xuất hiện các biến thể mới kháng vắcxin.

Mối đe dọa thứ hai đến từ tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng vỡ nợ gia tăng. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và thu nhập khác nhau của chính phủ khiến cho việc đánh giá chính xác tình hình hiện tại trở nên khó khăn. Mức độ vỡ nợ của doanh nghiệp cho đến nay vẫn khá thấp, được giải thích một phần là do sự tồn đọng rất nhiều các vụ việc khi tòa không thể xét xử vì đại dịch.

Đáng buồn, nhiều người trong số những người hiện đang nghỉ phép sẽ không thấy công việc của mình quay trở lại. Đó cũng chính là trường hợp tỷ lệ vỡ nợ do suy thoái có xu hướng tăng cao khi nền kinh tế đang thoát ra khỏi suy thoái, chứ không phải là lúc đất nước chìm sâu trong suy thoái.

Thời điểm sống còn chính là khi chính phủ rút lại các biện pháp hỗ trợ. Đó là lúc các công ty nhận ra rằng họ thiếu nguồn lực để bắt đầu hoạt động trở lại đúng cách và thất bại trong việc thoát khỏi các khoản nợ nần.

6 nguy cơ khiến nền kinh tế Anh không phục hồi nhanh như kỳ vọng ảnh 2Người dân thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng chờ mua sắm bên ngoài một siêu thị ở Gateshead, Anh ngày 9/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Riêng Barclays đã phải dành ra gần 5 tỷ bảng Anh (7 tỷ USD) để bảo hiểm cho các khoản nợ khó đòi. Đã có giả định rằng một phần đáng kể trong số 70 tỷ bảng cho vay theo các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ sẽ không bao giờ được hoàn trả.

Thứ ba, việc thuyết phục các hộ gia đình và doanh nghiệp bỏ ra một phần trong khoản tiết kiệm ước tính khoảng 300 tỷ bảng mà họ đã tích lũy được trong đại dịch là chìa khóa của sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế hậu đại dịch.

Tuy nhiên, đó chỉ là một giả thuyết. Những người có khả năng tiết kiệm lớn nhất - người có thu nhập cao, người nghỉ hưu và những doanh nghiệp chiến thắng trong đại dịch - cũng là những người ít có khả năng chi ra những khoản đã tiết kiệm được trong thời kỳ phong tỏa một khi các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ.

Lo ngại thứ tư là sự thay đổi vĩnh viễn trong thói quen làm việc. Làm việc từ xa nhiều hơn có thể giúp các công ty tiết kiệm một khoản chi phí lớn về dài hạn, nhưng điều này gây ra mối đe dọa ngắn hạn đối với hệ sinh thái xung quanh các trung tâm thành phố và các cụm văn phòng lớn.

Yêu cầu đặt ra là công ty sẽ phải sắp xếp công việc linh hoạt vì thực tế đã chứng minh là các doanh nghiệp có thể quản lý công việc hoàn hảo đồng thời giảm đáng kể số lượng công việc tại các văn phòng. Đó là một sự thay đổi lớn về cơ cấu trong nền kinh tế và sẽ có tác động mạnh trong nhiều năm tới.

Thứ năm, những hạn chế đối với việc đi lại và du lịch quốc tế có thể sẽ vẫn tồn tại thêm một thời gian nữa dù hoạt động đi lại nội địa có thể tự do hơn. Khách du lịch sẽ trở lại nhưng với tốc độ chậm chạp khi đại dịch vẫn còn lây lan ở những nơi khác. Sự phục hồi trở lại mức trước đại dịch có thể mất vài năm. Ngành công nghiệp hàng không sẽ gặp khó khăn tương tự.

Cuối cùng, sự phục hồi chậm chạp hơn ở châu Âu có nguy cơ trở thành một lực cản lớn đối với sự phục hồi của nền kinh tế Anh.

Nước Anh đã rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nhưng có lẽ sẽ vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những thăng trầm của các nước láng giềng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục