Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cam kết mở rộng các nguồn lực của mình để hỗ trợ cho xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực, thúc đẩy khả năng cho vay và đưa ra các bước đi mới nhằm thu hút đầu tư tư nhân.
Trong khuôn khổ cuộc họp thường niên tại thủ đô Baku của Azerbaijan vừa kết thúc ngày 5/5, ADB khẳng định sẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững và giảm nghèo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao phát biểu: “ADB sẽ tiếp tục là nhà cung cấp tài chính quan trọng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.”
Các giải pháp thúc đẩy hoạt động cho vay và cải cách hoạt động của ADB được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách tăng cường ảnh hưởng trên toàn châu Á thông qua việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), một thể chế cho vay đa phương với hơn 50 thành viên sáng lập nhằm tài trợ cho các dự án phát triển hạ tầng khu vực. Tuy nhiên các nguồn tin trong ADB cho rằng giải pháp thúc đẩy hoạt động mà ngân hàng này đưa ra không xuất phát trực tiếp sự ra đời của AIIB.
Tuy nhiên, động thái trên của ADB vẫn liên quan đến khu vực, trong bối cảnh một số quốc gia phát triển coi AIIB là bước đi nhằm tạo dựng một trật tự kinh tế song hành trong khu vực.
Chủ tịch Nakao cho biết, ADB đang cân nhắc tìm kiếm sự đóng góp bổ sung từ các thành viên nhằm tăng cường khả năng cho vay. Ngân hàng có thể cho phép thay đổi tỷ lệ cổ phần nắm giữ trong các thành viên nếu tăng được vốn, một gợi ý cho thấy các thành viên như Trung Quốc và Ấn Độ có thể tăng quyền bỏ phiếu trong ADB.
Các thành viên ADB cũng chấp thuận đề xuất sáp nhập Quỹ Phát triển châu Á (cung cấp khoản vay ưu đãi cho các quốc gia đang phát triển) và Nguồn vốn thông thường (chương trình cho vay với lãi suất thị trường, tập trung vào các quốc gia có thu nhập trung bình) vào năm 2017, như là một cách để tăng cường các nguồn lực sẵn có và thúc đẩy khả năng cho vay hàng năm thêm khoảng 50%. ADB cũng thông báo sẽ hợp tác với các chính phủ và ngân hàng tư nhân để gia tăng đầu tư đối tác công-tư.
ADB ước tính, khu vực châu Á cần nguồn vốn cơ sở hạ tầng lên tới 8.000 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2020, vượt xa khả năng của các nhà cho vay hiện nay./.