Tỉnh Sóc Trăng có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer (nhiều nhất cả nước).
Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống dân tộc Khmer ở Sóc Trăng ngày càng được nâng lên.
Đón Tết Chol Chnam Thmay năm 2024, đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng vui hơn khi đời sống vật chất, tinh thần ngày được nâng lên, phum sóc thêm khang trang, đổi mới.
Phum sóc đổi mới
Huyện Thạnh Trị có trên 32% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, tập trung tại xã Tuân Tức, xã Thạnh Tân, xã Lâm Kiết...
Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện đã triển khai kịp thời các chính sách phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân, nhờ vậy bộ mặt phum sóc nơi đây ngày càng đổi mới.
Theo ông Liêu Trinh Húy, Trưởng phòng Dân tộc huyện Thạnh Trị, năm 2023 đời sống của đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương có bước phát triển khá tốt.
Địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhiều hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào được quan tâm triển khai kịp thời.
Đặc biệt đầu năm 2024, đồng bào dân tộc Khmer lại vui hơn khi thu hoạch lúa Đông-Xuân trúng mùa được giá cao.
Ông Liêu Trinh Húy cho biết đến nay số hộ nghèo dân tộc Khmer ở huyện Thạnh Trị giảm còn 697 hộ (giảm 2,1% so với năm trước), toàn huyện có 7/8 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
100 % hộ đồng bào dân tộc Khmer có điện sử dụng; 100 % xã, thị trấn có đường ôtô đến trung tâm; 100% ấp có đường giao thông nông thôn được xây dựng bằng bê tông.
Lĩnh vực văn hóa xã hội ngày càng được quan tâm, từ đó từng bước nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây.
Đến thăm gia đình anh Lâm Văn Nám (xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) những ngày cận kề Tết Chol Chnam Thmay mới thấy được sự ấm no trên từng phum sóc nơi đây.
Anh Lâm Văn Nám chia sẻ gia đình sản xuất lúa với diện tích 13ha, vụ Đông Xuân vừa rồi anh sản xuất giống Đài Thơm được mùa, trúng giá với năng suất 9 tấn/ha, giá bán 10.000 đồng/kg (lúa tươi tại ruộng).
Trừ các khoản chi phí, gia đình thu lợi nhuận gần 700 triệu đồng, tăng 200 triệu đồng so với vụ trước.
Anh Lâm Văn Nám cho biết vụ Đông Xuân vừa rồi không chỉ riêng gia đình anh mà nhiều đồng bào dân tộc Khmer trong phum sóc ai cũng phấn khởi khi trúng mùa, được giá, đời sống đồng bào nơi đây ngày thêm ấm no, người dân đón Tết Chol Chnam Thmay cũng thêm sung túc hơn trước rất nhiều.
Nhiều năm trước gia đình anh Trần Diễn (xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú) - hộ không đất sản xuất, được hỗ trợ 3 con bò (bò cái) sinh sản từ chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương.
Sau thời gian nuôi, đến nay, đàn bò thịt của gia đình tăng hơn 10 con.
Anh Trần Diễn cho biết nuôi bò dễ chăm sóc chỉ tốn ít thời gian cắt cỏ cho bò ăn, vì thế gia đình có thể làm thêm nhiều việc khác để tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, bò dễ tiêu thụ và giá bán thịt ở mức cao nên kinh tế gia đình dần khấm khá hơn trước.
Theo bà Châu Thị Muỗi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, toàn xã có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất lúa và chăn nuôi bò.
Nhờ các chính sách phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hỗ trợ vốn sản xuất, đất ở, xây dựng mô hình kinh tế, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm dần theo từng năm, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở xã giảm còn dưới 4%.
Ngoài các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, địa phương còn được Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Tú đầu tư xây dựng đường giao thông, cầu giao thông nông thôn giúp lưu thông giao thương hàng hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho đồng bào.
Đặc biệt, trong dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, Ủy ban Nhân dân xã Thuận Hưng đã vận động 150 phần quà tặng cán bộ hưu trí, người có uy tín, hộ nghèo dân tộc Khmer nhằm góp phần cho đồng bào đón Tết thêm ấm áp.
Tiếp tục quan tâm đầu tư
Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng, năm 2023, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phối hợp triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer, từ đó tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế-xã hội, bộ mặt phum sóc có nhiều khởi sắc, nhất là vùng sâu, vùng sa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết đến nay hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm còn 3.937 hộ, chiếm tỷ lệ 3,86%, kết cấu hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số từng bước được đầu tư, hoàn thiện.
Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer được giữ gìn và phát huy, khối đại đoàn kết giữa các dân tộc không ngừng được củng cố.
Trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc; nhất là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030) gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Để tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Sóc Trăng sẽ tập trung đổi mới công tác quản lý giáo dục, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế, quan tâm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.”
Tỉnh chăm lo và phát huy vai trò người có uy tín, chức sắc tiêu biểu trong thực hiện công tác tuyên truyền; từng bước nâng dần chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh./.