Anh: Công nhân đường sắt đình công kéo dài những ngày đầu năm mới

Network Rail, hãng quản lý cơ sở hạ tầng hầu hết mạng lưới đường sắt tại Anh, cho biết do tác động của cuộc đình công nên dịch vụ vận tải đường sắt trên tất cả các tuyến sẽ giảm đáng kể cho tới 8/1.
Anh: Công nhân đường sắt đình công kéo dài những ngày đầu năm mới ảnh 1Người dân đi bộ trong thời gian diễn ra cuộc đình công của công nhân ngành đường sắt, tại London (Anh), ngày 3/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhằm yêu cầu chính phủ tăng lương, các công nhân ngành đường sắt của Anh đã bắt đầu cuộc đình công kéo dài một tuần kể từ ngày 3/1.

Cuộc đình công được tiến hành ngày ngay từ những ngày đầu Năm mới, cũng là đợt đình công mới nhất trong ngành đường sắt tại nước này, đã làm gián đoạn việc trở lại làm việc của hàng triệu người.

Do tác động của cuộc đình công kéo dài, dịch vụ vận tải đường sắt trên tất cả các tuyến ở quốc gia châu Âu được dự báo sẽ giảm đáng kể cho đến ngày 8/1.

Theo hãng quản lý hạ tầng của hầu hết mạng lưới đường sắt ở Anh - Network Rail, các chuyến tàu sẽ trở nên đông đúc hơn và thời gian vận hành sẽ không theo đúng lịch trình bình thường, dịch vụ sẽ tạm thời ngừng trệ ở một số khu vực.

Bộ trưởng Giao thông Anh Mark Harper cho biết thay vì đình công, đại diện các công đoàn và người lao động nên ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ. Ông nhấn mạnh đây là cách duy nhất để các bên đạt được một thỏa thuận về tiền lương.

Trong những tháng gần đây, mạng lưới đường sắt của Anh thường xuyên bị gián đoạn do hậu quả của các cuộc đình công liên tiếp. Trên thực tế, nước Anh đang chìm trong tình trạng bất ổn nghiêm trọng nhất do các cuộc đình công của giới công nhân, kể từ những năm 1980.

Nhiều công nhân không có khả năng trang trải cuộc sống khi đồng lương tăng không đáng kể sau hơn 10 năm, trong bối cảnh của vòng xoáy lạm phát tăng cao.

[Hàng nghìn nhân viên cứu thương tại Anh sẽ đình công trong tháng 1 tới]

Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, Liên đoàn Công nhân ngành Đường sắt, Hàng hải và Vận tải Anh (RMT) đã từ chối đề nghị tăng lương 4% trong năm 2022 và năm 2023 để công nhân ngành đường sắt chấm dứt đình công.

Trước đó, Nhóm Vận tải đường sắt (RDG) đã đề xuất với RMT mức tăng lương là 8% trong hai năm, kèm theo việc đảm bảo không cắt giảm nhân công đến tháng 4/2024.

Tổng Thư ký RMT Mick Lynch tuyên bố bác bỏ đề xuất này vì “không đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào nhằm đảm bảo giải pháp cho việc làm lâu dài, mức tăng lương xứng đáng và bảo vệ các điều kiện làm việc."

Đầu tháng 10/2022, chỉ có 20% số tuyến tàu chở khách tại Anh hoạt động do các nhân viên đường sắt đình công đòi tăng lương, gây gián đoạn dịch vụ.

Chính quyền thậm chí đã hối thúc người dân chỉ đi tàu nếu thực sự cần thiết, khi có đến 40.000 thành viên của RMT làm việc trong ngành đường sắt đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Tình trạng gián đoạn cũng đã ảnh hưởng tới hàng nghìn cổ động viên bóng đá muốn tới sân cổ vũ cho các đội bóng của họ.

Mùa Hè năm ngoái đã chứng kiến cuộc đình công lớn nhất trong nhiều thập niên tại Anh, và trong năm 2022, làn sóng đình công đã lan rộng từ lĩnh vực tư nhân sang lĩnh vực công ở nước này, trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt và suy thoái kinh tế khiến cho đời sống người dân trở nên khó khăn.

Cụ thể, đình công không chỉ diễn ra trong ngành đường sắt.

Khi lạm phát ở Anh đã tăng vọt lên mức 10,7% hồi tháng 11 năm ngoái, cũng là mức cao nhất trong 40 năm qua, các nhân viên bưu điện, y tế, sân bay cũng tham gia các cuộc đình công đòi mức tăng lương “phù hợp.” Thậm chí các giáo viên xứ Scotland cũng có kế hoạch tiến hành đình công vào tuần tới.

Trong năm qua, Liên đoàn Công nghiệp Anh đã thúc giục chính phủ nước này đề ra các kế hoạch hỗ trợ các gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt.

Ngân hàng Trung ương Anh cũng đã cảnh báo nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài do giá năng lượng tăng cao chưa từng thấy khiến nhiều hộ gia đình lâm vào tình cảnh kinh tế khó khăn.

Đến nay, chính phủ Anh vẫn tuyên bố không thể tăng lương cho người lao động làm việc trong các lĩnh vực công tương đương với đà tăng của lạm phát.

Chính quyền của Thủ tướng Rishi Sunak kêu gọi giới chủ lao động và các nghiệp đoàn tích cực đàm phán một cách hiệu quả, tránh gây các tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục