Ba lý do Pakistan sẽ không cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự

Để đáp lại hàng loạt suy đoán, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi tuyên bố thẳng thừng rằng Pakistan sẽ không cho phép Mỹ mở bất cứ căn cứ quân sự nào trên lãnh thổ của mình.
Ba lý do Pakistan sẽ không cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự ảnh 1Binh sỹ Pakistan tuần tra gần đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan, ngày 29/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, Mỹ đang tìm cách duy trì cơ sở hạ tầng chống khủng bố trong khu vực sau khi nước này rút khỏi Afghanistan.

Các quan chức của cả hai bên, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, xác nhận rằng Pakistan và Mỹ đã đàm phán về vấn đề này.

Mặc dù ông Sullivan nhấn mạnh rằng các cuộc thảo luận đã mang tính xây dựng, song phía Pakistan có vẻ như đã từ chối cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đặt các căn cứ máy bay không người lái tại quốc gia này.

Để đáp lại hàng loạt suy đoán về khả năng Islamabad cho phép Mỹ đặt các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi tuyên bố thẳng thừng rằng Pakistan sẽ không cho phép Mỹ mở bất cứ căn cứ quân sự nào.

Ông nói thêm rằng Pakistan sẽ đảm bảo các lợi ích của riêng mình, qua đó cho thấy việc cho phép Mỹ đặt căn cứ trên lãnh thổ Pakistan không được coi là có lợi.

Mặc dù việc Mỹ nhanh chóng rút các lực lượng của mình ra khỏi Afghanistan có thể sẽ buộc Washington phải liên tục tìm cách thuyết phục Islamabad xem xét lại lập trường của mình về vấn đề này, song Pakistan có khả năng sẽ không bị khuất phục trước những lời dụ dỗ và áp lực của Mỹ.

Có 3 yếu tố giải thích cho lập trường kiên trì và cứng rắn của Pakistan về việc không trao cho Mỹ quyền mở các căn cứ quân sự tại quốc gia này.

Thứ nhất, việc Thủ tướng Pakistan Imran Khan liên tục kịch liệt phản đối các thỏa thuận trước đây của Islamabad với Washington đã khiến chính phủ của ông không còn khả năng có thể chấp nhận các yêu cầu của Mỹ.

Trước khi lên nắm quyền, Imran Khan là người chỉ trích mạnh mẽ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Pakistan, thậm chí ông còn phát động chiến dịch chống lại các cuộc tấn công như vậy.

[Mỹ nối lại chương trình huấn luyện quân sự cho Pakistan]

Tuy nhiên, những lời chỉ trích của Thủ tướng Khan không chỉ nhắm vào Mỹ và lối hành xử hống hách của nước này, ông còn chỉ trích các chính phủ Pakistan trước đây vì điều mà ông cho là hành vi đồng lõa ích kỷ và chỉ dựa trên lợi ích với Washington.

Do đó, trong những phát biểu của mình trước khi lên nắm quyền, ông Khan đã thề sẽ chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố nhưng đồng thời không để Pakistan bị cho là phải phụ thuộc vào Mỹ.

Đáng chú ý là, ngay cả sau khi lên nắm quyền, ông Khan đã hết lần này đến lần khác nhấn mạnh sự cần thiết phải có một mối quan hệ cân bằng và cùng có lợi với Mỹ.

Ngoài ra, Thủ tướng Khan đã tái khẳng định rằng Pakistan sẽ chỉ trở thành đối tác của Mỹ trong nền hòa bình trong tương lai.

Với việc Thủ tướng Khan đã đưa ra những lập trường cứng rắn không thể thỏa hiệp như vậy trong chính sách đối với Washington, việc chính phủ của ông cho phép Mỹ đặt các căn cứ - mà theo đó có thể mở đường cho các hành động quân sự chủ động xuất phát từ hoặc ở trên lãnh thổ Pakistan - sẽ gây tổn hại lớn cho ông về mặt chính trị.

Một sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách như vậy có thể không chỉ khiến dư luận chống lại Thủ tướng Khan, mà còn làm dấy lên nghi ngờ về khả năng và quyền lực của ông trong việc điều hành chính sách đối ngoại và lĩnh vực an ninh.

Điều này cũng sẽ làm giảm tầm ảnh hưởng của “câu thần chú” của Thủ tướng Khan về các mối quan hệ dân sự-quân sự.

Các quan chức cấp cao của Pakistan, bao gồm cả Ngoại trưởng Qureshi và Cố vấn An ninh Quốc gia Moeed Yusuf, cũng bóng gió ám chỉ rằng cách tiếp cận nổi tiếng của Thủ tướng Khan đối với cuộc chiến chống khủng bố và mối quan hệ Pakistan-Mỹ là một trong những yếu tố chính khiến Pakistan không thể cam kết cho phép Mỹ đặt các căn cứ quân sự.

Xét tất cả những yếu tố trên, việc Thủ tướng Khan lật ngược quyết định của mình sẽ gây ra tổn hại cực kỳ lớn.

Thứ hai, việc Pakistan hỗ trợ Mỹ giám sát Taliban có thể sẽ làm suy yếu các mối quan hệ của Islamabad với Taliban - một lực lượng hùng mạnh ở Afghanistan.

Pakistan chắc chắn không nên giảm bớt mối quan hệ của mình với Taliban bởi vì ngày càng thấy rõ rằng lực lượng này là chủ thể có ảnh hưởng nhất trong trong nền chính trị Afghanistan.

Đánh chiếm hết quận này đến quận khác kể từ khi Mỹ tuyên bố rút quân, Taliban dường như sẽ trở thành lực lượng cầm quyền ở Kabul. Trong bối cảnh như vậy, việc Pakistan giúp Mỹ duy trì khả các năng chiến đấu và giám sát nhằm chống lại Taliban và các nhóm khác, sẽ khiến Taliban khó có thể chấp nhận.

Từng cảnh báo các nước láng giềng của Afghanistan về việc phạm phải sai lầm lịch sử khi cho phép Mỹ vận hành các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ, Taliban chắc chắn sẽ không hoan nghênh Pakistan thực hiện một bước đi như vậy.

Họ có thể tuyên bố rằng Pakistan đang suy yếu dần dưới áp lực của Mỹ. Ác ý này - có thể xuất phát từ mối quan hệ căng thẳng giữa Pakistan và Taliban - sẽ làm tổn hại đến lợi ích cốt lõi của Pakistan, đặc biệt là khi xuất hiện những nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố tại Afghanistan.

Nếu Islamabad bị coi là nhân tố cốt yếu giúp Mỹ duy trì cơ sở hạ tầng chống khủng bố ở nước ngoài, Taliban có thể tiếp tục khuyến khích những lực lượng thù địch nhắm vào Pakistan.

Với việc Pakistan gắn chặt triển vọng tăng cường kết nối khu vực với nền hòa bình ở Afghanistan, việc có những hành động khiến Taliban cảm thấy khó chịu sẽ giống như thể tự bắn vào chân mình. Nói cách khác, Pakistan sẽ tìm cách tránh bị coi là đang hành động theo mệnh lệnh của Washington.

Thứ ba, việc Pakistan cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu có thể sẽ là nguyên nhân gây lo ngại cho hai nước láng giềng của Pakistan là Trung Quốc và Iran.

Việc cả hai quốc gia này đều là đối thủ của Mỹ lại càng gây ra nhiều rắc rối hơn. Washington đã coi Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Do Mỹ có ác cảm với Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), điều này có nghĩa là nếu Pakistan cho phép các lực lượng Mỹ hoạt động trên lãnh thổ của mình, Washington gần như chắc chắn sẽ sử dụng lợi thế đó để theo dõi CPEC.

Cả Pakistan và Trung Quốc đều không muốn thấy Mỹ rình rập quanh các điểm trung tâm trong CPEC, bao gồm cả cảng Gwadar vốn rất quan trọng. 

Ngoài Trung Quốc, Iran cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu Pakistan để cho Mỹ hiện diện gần Iran. Nếu Pakistan cam kết cho Mỹ đặt căn cứ, không chỉ nỗ lực của Thủ tướng Khan nhằm thiết lập lại quan hệ với Iran sẽ bị mất uy tín, mà còn cả vai trò hòa giải của ông trong các cuộc xung đột liên quan đến Iran, Saudi Arabia và Mỹ cũng sẽ bị nghi ngờ.

Ngoài ra, hành động cân bằng tinh tế của Pakistan ở Trung Đông sẽ bị xáo trộn, gây ra vô số thách thức về an ninh mà các nhà hoạch định chính sách của Pakistan sẽ phải đối mặt.

Do đó, việc Pakistan để Mỹ đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình sẽ chỉ làm tăng thêm mối lo ngại về an ninh bên ngoài và những rắc rối chính trị trong nội bộ của nước này.

Vào thời điểm Pakistan đang chú trọng tới vấn đề địa kinh tế, đây chính xác là điều mà nước này không thể cho phép xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục