Bài học kinh nghiệm từ Abenomics sau bảy năm triển khai

Khi ông Abe chính thức thông báo rời khỏi cương vị thủ tướng, nhiều người đã đặt câu hỏi về những gì chương trình kinh tế đạt được trong bảy năm qua cùng những bài học rút ra cho các nước phát triển.
Bài học kinh nghiệm từ Abenomics sau bảy năm triển khai ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 2, trái) tại phiên họp nội các ở Tokyo ngày 4/7. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tờ Business Times (Singapore) đăng bài bình luận của tác giả Daniel Gros về viễn cảnh của chương trình kinh tế Abenomics của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Khi ông Abe chính thức thông báo rời khỏi cương vị thủ tướng, nhiều người đã đặt câu hỏi về những gì chương trình kinh tế đã đạt được trong bảy năm qua cùng những bài học rút ra cho các nước phát triển khác.

Những kết quả của bảy năm thực hiện Abenomics

Chính sách kinh tế Abenomics đã được giới thiệu vào năm 2013 với ba "mũi tên" nhằm vào chính sách tiền tệ tích cực, chính sách tài khóa linh hoạt và chiến lược tăng trưởng, bao gồm cả cải cách cơ cấu.

Trong số này, chính sách tiền tệ rõ ràng là vấn đề trọng tâm lớn nhất. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã khởi động một chương trình nới lỏng định lượng (QE) lớn để mua các khoản nợ chính phủ, và hiện tại ngân hàng này đang nắm giữ một nửa các khoản nợ đó.

Nhưng trong khi mục tiêu chính thức là thúc đẩy mức lạm phát hàng năm lên con số 2% thì cho đến nay mục tiêu đó vẫn chưa đạt được.

Mức độ hiệu quả thấp của chương trình QE đã được dự báo ngay từ khi nó được triển khai, đặt trong bối cảnh lãi suất dài hạn vốn đã ở mức thấp vào đầu năm 2013, chỉ khoảng 0,6%.

Kể từ năm 2016, tỷ lệ lãi suất này đã chỉ dao động quanh mức 0%. Do vậy người ta có thể cho rằng “mũi tên chính sách” tiền tệ của chương trình Abenomics đã thất bại và không đủ để có thể kích hoạt lạm phát.

Một số nhà quan sát đã đề cập đến “mũi tên chính sách” thứ hai của Abenomics đó là chính sách tài khóa linh hoạt. Ngay trước khi ông Abe quay trở lại nắm quyền Thủ tướng vào tháng 12/2012, thâm hụt tài khóa đã ở mức trên 8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

[Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách Abenomics]

Trong giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ thâm hụt tài khóa này đã được giảm xuống còn 3-4% GDP.

Sự thay đổi này đã làm giảm đáng kể tốc độ gia tăng nợ công quốc gia tính theo tỷ trọng GDP. Ở mức khoảng 150%, tỷ trọng nợ ròng trên GDP hiện tại của Nhật Bản sẽ tiếp tục không thay đổi khi vẫn còn đó tỷ lệ tăng trưởng GDP danh nghĩa trên 2% và thâm hụt tài khóa ở mức tương đương hoặc thấp hơn 3% GDP. Thành tựu chính của chính sách Abenomics là chính sách này đã làm ổn định được vấn đề tài chính công của Nhật Bản.

“Mũi tên chính sách” thứ ba bao gồm những cải cách cấu trúc vốn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng năng suất của lực lượng lao động hiện tại và gia tăng số lượng người lao động.

Đối với yếu tố tăng năng suất lao động, chính sách Abenomics rõ ràng đã thất bại. Không giống như Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), nơi có năng suất lao động đã tăng lên trong vòng 7 năm qua, năng suất lao động của Nhật Bản vẫn chỉ đang đi ngang kể từ năm 2010 đến nay.

Dù vậy, ít nhất đã có một số tiến triển trong vấn đề gia tăng quy mô lực lượng lao động. Tuy nhiên, Nhật Bản vốn đã đạt được tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức cao trước khi có Abenomics, và mức gia tăng này cũng phù hợp với những gì người ta đã dự báo.

Với mức tăng nhỏ trong số người tham gia vào lực lượng lao động và gần như không có cải thiện gì trong vấn đề năng suất, tăng trưởng thu nhập của Nhật Bản khi thực hiện chính sách Abenomics vẫn đang ở mức thấp như trước khi có Abenomics, trung bình dưới 1% mỗi năm.

Trong một thời gian ngắn, sự phục hồi mạnh mẽ sau khi thuế tăng cao (do hậu quả của cuộc suy thoái năm 2014) được nhìn nhận là bằng chứng cho sự thành công của Abenomics.

Tuy nhiên, sự phục hồi này được hỗ trợ bằng tăng trưởng trong thương mại của Nhật Bản vào thời điểm đó, chủ yếu do sự sụt giảm giá cả khí tự nhiên hóa lỏng. Đây vốn là nguồn nhiên liệu Nhật Bản cần nhập khẩu với số lượng lớn hơn sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.

Sự gia tăng duy nhất này gần như là không đủ để có thể khởi động và thúc đẩy triển khai một thời kỳ mới của Nhật Bản, với sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn được duy trì bền vững.

Bài học dành cho các nước phát triển

Kinh nghiệm của Nhật Bản nên được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để rút ra các bài học sau này cho châu Âu và các nền kinh tế phát triển đang già hóa khác. Một bài học chính từ kinh nghiệm của Nhật Bản là rất khó có thể tạo ra lạm phát trong một xã hội già hóa với mức độ tiết kiệm cao và nguồn vốn dồi dào.

Trong năm 2014, mức lạm phát lõi đã giảm nhanh, xuống mức dưới 1% tại Eurozone. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sau đó đã bắt đầu tiến hành chương trình mua tài sản lớn, nhưng sau nhiều năm, tỷ lệ lạm phát gần như không vượt quá 1%.

Và hiện tại, đại dịch COVID-19 sẽ khiến việc đạt được tỷ lệ lạm phát 2% hàng năm trở nên khó khăn hơn. Trên thực tế, ECB có thể đang lâm vào tình trạng theo đuổi một mục tiêu bất khả thi trong tương lai gần.

Bài học thứ hai liên quan đến vấn đề cơ cấu lao động. Điều này thực sự quan trọng cho châu Âu, bởi các xu hướng cơ cấu dân số trong khu vực Eurozone ngày nay là tương tự với Nhật Bản trong những năm vừa qua.

Dân số trong độ tuổi lao động trung bình trên toàn Eurozone gồm 19 thành viên đang giảm ở mức khoảng 0,5 điểm phần trăm mỗi năm. Sự suy giảm này ít rõ rệt hơn ở Nhật Bản, nhưng nếu vẫn tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài, Eurozone đang đi đến một thập kỷ khác nữa của sự tăng trưởng thấp, bên cạnh những tác động từ đại dịch COVID-19.

Cuối cùng, trong bối cảnh không muốn dựa vào sự gia tăng người nhập cư, những hạn chế do yếu tố thu hẹp dân số trong độ tuổi lao động có thể được giải quyết bằng việc nâng độ tuổi nghỉ hưu và gia tăng sự tham gia vào lực lượng lao động của người cao tuổi.

Những thay đổi này là phù hợp với xu hướng tuổi thọ gia tăng ngày càng phổ biến, vốn đang diễn ra ở nhiều quốc gia châu Âu trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Dù vậy, việc tăng cường sự tham gia vào lực lượng lao động chỉ có thể mang lại lợi ích một lần.

Tăng trưởng mạnh trong thời gian dài sẽ đòi hỏi tăng trưởng năng suất cao hơn. Đó là thách thức kinh tế chính của châu Âu. Để đáp ứng những yêu cầu đó, các nguồn lực tài chính khổng lồ đang được bố trí để đối phó với đại dịch cần được sử dụng để dịch chuyển nền kinh tế theo hướng xanh hơn và số hóa, thay vì hỗ trợ các cấu trúc kinh tế trong quá khứ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục