Bàn giải pháp xuất khẩu trái thanh long sang Ấn Độ và Pakistan

Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan năm 2021 do Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương tổ chức, đã được diễn ra ngày 5/8.
Bàn giải pháp xuất khẩu trái thanh long sang Ấn Độ và Pakistan ảnh 1Thanh long Việt Nam bày bán tại một siêu thị thực phẩm của Việt Nam ở thành phố Melbourne, Australia. (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)

Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan năm 2021 do Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, tổ chức đã được diễn ra ngày 5/8.

Tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Thanh long là trái cây có lợi thế cạnh tranh đứng thứ nhất trong 11 loại trái cây và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.

Tuy nhiên hiện nay, một số tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản; trong đó, có thanh long đang gặp khó khăn.

Thị trường Trung Quốc đang bị thu hẹp 

Theo ông Vũ Bá Phú, việc xuất khẩu chủ yếu qua thị trường truyền thống Trung Quốc thời gian qua cũng cho thấy rất rõ nhiều bất cập, nhất là mỗi khi một số cửa khẩu đường bộ tạm ngưng thông quan trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc để phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long nên trong vài năm gần đây, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tiệm cận với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.

Thanh long hiện đã bước vào vụ thu hoạch với sản lượng ước đạt 1,455 triệu tấn trong năm 2021, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Vì vậy, việc tiêu thụ thanh long đang là sức ép lớn đối với các địa phương; trong đó, có tỉnh Bình Thuận và Long An.

[Thanh long Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Australia]

Thống kê cho thấy tỉnh Bình Thuận, Long An là những địa phương có diện tích trồng thanh long lớn và đang bước vào vụ thu hoạch; trong đó, Bình Thuận có diện tích trồng thanh long là 33.750ha, sản lượng năm nay dự kiến đạt 650.000 tấn quả; Long An cũng dự kiến đạt sản lượng 330.000 tấn quả/năm.

Đại diện Sở Công Thương Bình Thuận và Long An đều mong muốn, Bộ Công Thương cùng các đơn vị trực thuộc hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã trồng thanh long tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch COVID-19 đang khiến việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn.

Ấn Độ có nhu cầu lớn về mặt hàng thanh long

Về thị trường Ấn Độ và Pakistan, ông Vũ Bá Phú cho biết Ấn Độ là thị trường đông dân, với trên 1,36 tỷ người, có dung lượng tiêu thụ lớn nên khá tiềm năng để Việt Nam xuất khẩu trái thanh long.

“Thông qua hội nghị hôm nay, tôi hy vọng, các doanh nghiệp, địa phương trồng thanh long của Việt Nam sẽ có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về tình hình thị trường, nhu cầu, yêu cầu của thị trường tiêu dùng Ấn Độ và Pakistan. Các doanh nghiệp, địa phương có thể tiếp cận, giới thiệu tới các đối tác Ấn Độ và Pakistan về tiềm năng, thế mạnh sản phẩm thanh long Việt Nam, kết nối các cơ hội hợp tác kinh doanh triển vọng trong tương lai,” ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Khẳng định hệ thống cơ quan ngoại giao cũng như thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ luôn nỗ lực kết nối thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa; trong đó, có trái thanh long, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng: 5 năm qua, giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng rất cao, từ 26% (năm 2015) lên 52% (năm 2020). Điều này cho thấy, Ấn Độ có nhu cầu rất lớn với mặt hàng này.

Đặc biệt, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ trái thanh long cũng như sản phẩm chế biến từ trái thanh long cho doanh nghiệp trong nước.

Về những thách thức tại thị trường Ấn Độ, theo ông Bùi Trung Thướng, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, thách thức lớn nhất là giữ được thị trường. Ấn Độ có điều kiện địa lý tương đồng với Việt Nam, có vùng 300 ngày nắng/năm phù hợp với cây thanh long.

Bàn giải pháp xuất khẩu trái thanh long sang Ấn Độ và Pakistan ảnh 2Thanh long đã thu hoạch chờ thương lái đến thu mua. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Vì thế, khi Ấn Độ trồng và phát triển được cây thanh long, thì rất khó để doanh nghiệp Việt Nam giữ được thị phần. Ngoài ra, việc giữ thị phần cũng đòi hỏi sự đoàn kết chặt chẽ của doanh nghiệp Việt Nam để cùng tạo nên uy tín cũng như sự cạnh tranh trên thị trường.

Hơn nữa, thị trường Ấn Độ sau dịch bệnh sẽ khó khăn do cầu yếu, cạnh tranh giữa các nguồn cung theo đó sẽ gay gắt hơn. Điều này bắt buộc doanh nghiệp trong nước phải áp dụng khoa học công nghệ để đổi mới sản phẩm.

Bởi vậy, ông Bùi Trung Thướng khuyến cáo ngoài quả tươi, doanh nghiệp có thể chế biến các sản phẩm khác từ thanh long cũng như đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối lớn, điều kiện tuy có khắt khe nhưng sẽ bền vững hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu thanh long vào thị trường Ấn Độ, bà Huỳnh Thúy Vy, Thành viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Ấn Độ cũng lưu ý, các doanh nghiệp phải chú ý đến phương thức thanh toán và ưu tiên phương thức thanh toán đặt cọc 30% khi ký kết hợp đồng mua bán.

Sau khi nhận hàng, kiểm tra hàng hóa, sẽ thanh toán 70% còn lại để tránh những tranh chấp, rủi ro. Ngoài ra, doanh nghiệp nên chú trọng đến chất lượng hàng xuất khẩu, cải tiến mẫu mã bao bì.

Cần có kế hoạch bài bản với thị trường Pakistan

Bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan chia sẻ, Pakistan chưa nhập khẩu trái cây tươi từ Việt Nam. Về trái thanh long, thương vụ đã mua thanh long Thái Lan nhập khẩu vào Pakistan làm tặng phẩm cho một số khách hàng tiềm năng.

Tuy nhiên ý kiến phản hồi sau đó không được tích cực. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc cũng như có kế hoạch bài bản để có thể đưa thanh long Việt Nam sang Pakistan.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, đây là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về lao động.

Thế nhưng, tình hình an ninh tại đất nước này khá phức tạp, rào cản thương mại gồm phá giá đồng tiền quốc gia 50% làm cho giá bán lẻ hàng nhập khẩu trở nên rất đắt đỏ. Cùng đó, là rào cản từ tiêu chuẩn Hồi giáo (Halal) trong nông sản và thực phẩm, quy định đối với nhãn mác của các mặt hàng lương thực thực phẩm nhập khẩu.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tiên Phong, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pakistan cho hay do Việt Nam chưa xuất khẩu thanh long vào Pakistan nên chưa tạo được sự nhận diện trên thị trường. Vì thế, doanh nghiệp cần tìm hiểu thói quen tiêu dùng để tiếp cận thị trường một cách phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục