Bình Dương đã chi 6.660 tỷ đồng cho phòng, chống dịch COVID-19

Theo báo cáo, tỉnh Bình Dương đã chi hơn 6.600 tỷ đồng cho phòng, chống dịch COVID-19; trong đó chi cho hoạt động phòng, chống dịch là hơn 3.200 tỷ đồng; chi cho an sinh xã hội là hơn 3.400 tỷ đồng.
Bình Dương đã chi 6.660 tỷ đồng cho phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Lễ trao Huân chương Lao động cho các cá nhân có đóng góp cho công tác phòng chống dịch tại Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Chiều 3/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương sơ kết công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tính thời điểm báo cáo, tỉnh đã chi hơn 6.600 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; trong đó chi cho hoạt động phòng, chống dịch là hơn 3.200 tỷ đồng; chi cho an sinh xã hội là hơn 3.4000 tỷ đồng.

Về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn từ khi xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng đầu tiên vào ngày 31/1/2021; lũy kế đến nay đã có 282.231 ca ở 9/9 huyện, thị, thành phố. Trong số này, 276.013 bệnh nhân đã khỏi bệnh (97,8%); 2.733 bệnh nhân tử vong (1%). Hiện còn 3.490 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện; 8.432 bệnh nhân điều trị tại nhà. Tỉnh đã xét nghiệm sàng lọc diện rộng cho gần 13 triệu lượt người.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho hay hơn 6 tháng qua kể từ khi bắt đầu đợt dịch thứ 4, hầu hết các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội.

[Số ca mắc COVID-19 tăng, Bình Dương đẩy mạnh hoạt động y tế tại cơ sở] 

Số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt; tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân được bao phủ rộng; tuy nhiên vẫn còn các ca nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát trở lại và lây lan bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.

Riêng trong hai tháng gần đây, kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, kế thừa, phát huy những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian trước đó, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong hai tuần cuối tháng 11 (từ ngày 16-30/11 vừa qua) so với hai tuần cuối tháng 10 cộng với hai tuần đầu tháng 11 (từ ngày 15/10/2021 đến ngày 15/11/2021), trên địa bàn chỉ ghi nhận thêm 10.118 ca mắc mới; phát hiện 1.284 ca mắc cộng đồng (giảm 39,3%) và 177 ca tử vong.

Đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp giám sát, truy vết nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh.

Cùng với đó, tổ chức, điều phối hiệu quả các lực lượng hỗ trợ, phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng, phối hợp với lực lượng công an tiến hành truy vết nhanh, khẩn trương ngay khi phát hiện ca bệnh để thực hiện cách ly kịp thời đối với các trường hợp có liên quan tới ca bệnh.

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã thiết lập thêm các khu cách ly tập trung tại các địa bàn trọng điểm dịch bệnh, nhất là các khu cách ly tập trung có quy mô, sức chứa lớn; qua đó, từng bước điều chỉnh công tác phòng, chống dịch theo hướng phù hợp với tình hình hiện nay như điều chỉnh thời gian cách ly tập trung phù hợp với diễn biến dịch; kiểm soát chặt quy trình bàn giao người trở về khi kết thúc cách ly tập trung; triển khai nhiều biện pháp cách ly trong phòng, chống dịch như cách ly F1 tại nhà, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; triển khai giao quản lý cách ly cho chính quyền địa phương; sử dụng camera giám sát cách ly; đặc biệt, tổ chức triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với các trường hợp không triệu chứng trong giai đoạn dịch tăng cao tại hai thành phố Thuận An, Dĩ An.

Bình Dương đã chi 6.660 tỷ đồng cho phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết thêm công tác xét nghiệm, lấy mẫu có quy mô tăng lên qua mỗi giai đoạn dịch, với sự tham gia của nhiều lực lượng; kết hợp hiệu quả phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR; thực hiện việc gộp mẫu (gộp 3, 5, 10...) để làm tăng tốc độ xét nghiệm, giảm chi phí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm... chủ động tầm soát lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao như cơ sở y tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại các khu nhà trọ...

Hiện nay, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện kế hoạch xét nghiệm trong tình hình mới để chủ động phát hiện, kịp thời điều trị cho F0 tại khu vực nguy cơ cao, rất cao, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; đặc biệt là xét nghiệm tầm soát tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người (chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe và phương tiện vận chuyển, bệnh viện, trường học, nhà máy, xí nghiệp,…) để sớm ngăn chặn chuỗi lây nhiễm mới.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu, đến thời điểm này, chiến dịch chống dịch COVID-19 tại Bình Dương đã thành công. Địa phương đã trở lại “bình thường mới,” mở cửa phục hồi kinh tế-xã hội nhờ quá trình triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, góp phần đưa xã hội trở lại bình thường mới, tạo đà cho Bình Dương tiếp tục hồi phục nền kinh tế.

Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu cho rằng địa phương cần tiếp tục rà soát người dân chưa tiêm vaccine để đề ra giai đoạn tiêm vaccine mới; tổ chức cho một số cơ sở y tế ở các huyện, thị tham gia điều trị COVID-19; thực hiện một số chính sách ưu đãi thu hút y, bác sỹ phục vụ công tác điều trị COVID-19 tại một số địa phương...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết thời gian tới, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của địa phương sẽ được thực hiện kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế-xã hội.

Theo đó, tỉnh xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó phòng, chống dịch trong doanh nghiệp, ngoài cộng đồng trong giai đoạn mới; xây dựng, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở để đi vào hoạt động thực chất, có hiệu quả; tăng cường khả năng thu dung, điều trị, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị trên địa bàn; thường xuyên cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn để điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân, mở cửa trở lại các hoạt động giao thông, giáo dục, dịch vụ...

Dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương trao tặng Bằng khen 93 tập thể và nhiều cá nhân đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác, phòng chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục