Cách thức Liên minh châu Âu đối phó với các mối đe dọa hỗn hợp

Nhóm công tác về xung đột hỗn hợp có tham vọng phối hợp và tổ chức tốt hơn những công việc đang được tiến hành một cách phân tán trước mối quan tâm lớn của lục địa già - “mối đe dọa hỗn hợp.”
Cách thức Liên minh châu Âu đối phó với các mối đe dọa hỗn hợp ảnh 1Binh sỹ NATO tham gia cuộc tập trận BALTOPS tại Nemirseta, Litva tháng 6/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai một nhóm công tác đặc biệt để tiến hành nỗ lực chống lại các “mối đe dọa hỗn hợp.”

Đây là ưu tiên của nội các Ủy ban châu Âu (EC) hiện nay, được hỗ trợ bởi nước chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu Phần Lan.

Dưới đây là bài viết theo nguồn tin một số nhà ngoại giao châu Âu được đăng trên báo Le Soir của Bỉ.

Nhóm công tác về xung đột hỗn hợp có tên viết tắt là HWPERCHT đã bắt đầu làm việc. Một hội đồng - bao gồm đại diện và chuyên gia từ các quốc gia thành viên, các chuyên gia từ EC, cơ quan đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí cả cơ quan quốc phòng châu Âu - sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị các quyết định để các quốc gia thành viên xem xét và đưa ra quyết định.

[EU và NATO khánh thành Trung tâm chống các mối đe dọa hỗn hợp]

HWPERCHT có tham vọng phối hợp và tổ chức tốt hơn những công việc đang được tiến hành một cách phân tán trước mối quan tâm lớn của lục địa già, đó chính là “mối đe dọa hỗn hợp.” Điều này đồng nghĩa với làm việc ít hơn trong “phòng điều hòa,” bớt quan liêu và phân công công việc một cách rõ ràng trong Hội đồng.

EU đang hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó có Mỹ, để chống lại các mối đe dọa hỗn hợp này. Đây cũng là một trong những ưu tiên chính của Phần Lan trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Hội đồng EU của mình.

Từ năm 2017, Phần Lan đã trở thành một trung tâm quan trọng của châu Âu trong việc hợp tác giải quyết các mối đe dọa hỗn hợp. Quốc gia trung lập này - vốn không phải là thành viên của NATO mà là đối tác của tổ chức chính trị quân sự hùng mạnh này - có đến 1.300km đường biên giới với Nga, một trong những nhân tố thường xuyên là nghi phạm của các mối đe dọa này.

Các nhà ngoại giao châu Âu đánh giá việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và can dự vào cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine là một hồi chuông cảnh tỉnh cho EU và phương Tây nói chung. Do đó, các quốc gia phải hợp tác nhiều hơn trong vấn đề này.

Theo các nhà ngoại giao châu Âu, cần phải hiểu rõ hơn về các mối đe dọa, phát hiện tốt hơn và xác định tác nhân có phải là nhà nước hay không. Thực tế là không có định nghĩa thống nhất về các mối đe dọa này, nó có thể thể hiện bằng nhiều hình thức và liên tục thay đổi. Đó có thể là những hoạt động lật đổ, được thực hiện theo cách thông thường và bất thường.

Mục tiêu đặt ra là gây nên sự chia rẽ ở châu Âu để làm suy yếu và làm giảm niềm tin của công dân đối với các thể chế châu Âu.

Mối đe dọa hỗn hợp là một khái niệm đã được lý thuyết hóa ở phương Tây để định nghĩa "những thách thức an ninh của thế kỷ 21.” Một cuộc tấn công hỗn hợp có thể được mô tả là "một hành động được phối hợp và đồng bộ hóa để cố tình nhắm vào các điểm yếu của các quốc gia dân chủ và các thể chế có hệ thống.”

Cuộc tấn công này có thể kết hợp nhiều công cụ, bao gồm từ ngoại giao đến các chiến dịch trên không gian mạng, kinh tế, văn hóa, hành động pháp lý và tất nhiên là cả những hoạt động gián điệp và quân sự.

Các chiến dịch bóp méo thông tin là một trong những mối đe dọa rõ nét nhất. Trong những năm qua, nhiều sự chú ý đã dồn về thông tin sai lệch và các cuộc bầu cử, nhưng các mối đe dọa hỗn hợp cũng có thể nhắm tới các mục tiêu cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như trong lĩnh vực ngân hàng.

Các cơ sở hạ tầng ngày nay được kết nối và phụ thuộc lẫn nhau, đồng thời được liên kết với các hệ thống điều khiển kỹ thuật số và gắn kết với nguồn cung cấp nên nó dễ bị tổn thương nhất. Chỉ thị của EU về quản lý bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng được ban hành từ năm 2008 không nhắc tới lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

Ngay cả ứng dụng điện thoại nổi tiếng như FaceApp hiện nay, được mọi người sử dụng để chụp ảnh, cung cấp quyền truy cập vào điện thoại thông minh của mình cho một công ty có trụ sở tại Nga dường như chỉ mang mục đích giải trí, nhưng công nghệ này rất có thể được sử dụng cho những mục đích xấu.

Nước chủ tịch luân phiên Phần Lan dự định tổ chức các cuộc huấn luyện về việc chống lại các mối đe dọa hỗn hợp nhân dịp cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng không chính thức. Đây là kế hoạch cho Helsinki trong sáu tháng cuối năm 2019.

Các bộ trưởng nội vụ đã được mời thảo luận về một kịch bản đe dọa ảnh hưởng đến an ninh nội bộ của EU. Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Maria Ohisalo nói rằng trách nhiệm cuối cùng trong việc chống lại các mối đe dọa hỗn hợp thuộc về các quốc gia thành viên và sẽ rất hiệu quả nếu các hành động trên được phối hợp ở cấp độ châu Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục