Cai trị “Afghanistan mới”: Thách thức cấp bách của Taliban

Sau chiến thắng quân sự chớp nhoáng và chuyến bay cuối cùng của quân đội Mỹ rời khỏi Afghanistan mới đây, lực lượng Taliban đang phải đối mặt với thách thức về việc thành lập một chính phủ.
Cai trị “Afghanistan mới”: Thách thức cấp bách của Taliban ảnh 1Các tay súng Taliban tại thủ đô Kabul, Afghanistan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau chiến thắng quân sự chớp nhoáng và chuyến bay cuối cùng của quân đội Mỹ rời khỏi Afghanistan mới đây, lực lượng Taliban đang phải đối mặt với thách thức về việc thành lập một chính phủ có thể đoàn kết các phe phái khác nhau và tái thiết Afghanistan sau 40 năm chiến tranh.

Dự kiến, Taliban sẽ công bố thành lập chính phủ trong vài ngày tới.

Hiện nay, phong trào Hồi giáo này vấp phải thách thức lớn về khả năng điều hành một quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế sâu sắc, thảm họa nhân đạo do hạn hán và đói kém gây ra, cũng như các mối đe dọa đối với an ninh và ổn định từ các nhóm thánh chiến khác, trong đó gồm cả một nhánh địa phương của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Bất ngờ trước sự sụp đổ chóng vánh của chính phủ (sắp mãn nhiệm) ở Kabul, Taliban đã phải dồn lực để duy trì trật tự ở thủ đô Kabul sau khi Tổng thống Ashraf Ghani bỏ chạy ra nước ngoài và lực lượng an ninh Afghanistan sụp đổ, và họ phải mất nhiều tuần để thành lập chính quyền mới.

Một quan chức cấp cao của Pakistan hiểu rõ về tình hình Afghanistan khẳng định: “Chiến tranh du kích nay đây mai đó, còn việc cai quản đất nước sẽ phải mất nhiều thời gian.”

Trong khi thủ lĩnh tối cao của Taliban Mullah Haibatullah Akhundzada vẫn giữ im lặng, Mullah Abdul Ghani Baradar, một trong những thành viên sáng lập Taliban và hiện đứng đầu ban chính trị ở Doha, đã trở thành gương mặt đại diện công khai của ban lãnh đạo Taliban.

Theo các nguồn tin nội bộ Taliban, dự kiến sẽ có một chính phủ do Baradar đứng đầu dưới sự lãnh đạo tinh thần của Akhundzada, nhưng cần lưu ý rằng Taliban là tập hợp của các thành phần khác nhau, trong đó lợi ích và ưu tiên của họ đều phải được tính tới.

Hôm 31/8 vừa qua, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết ban lãnh đạo cấp cao đã kết thúc cuộc họp kéo dài 3 ngày tại Kandahar để thảo luận về lộ trình phía trước. Mujahid cũng nói thêm rằng công tác chuẩn bị đang trong giai đoạn cuối và thông báo về thành phần chính phủ dự kiến sẽ được đưa ra “trong vài ngày tới.”

Tuy nhiên, Mujahid đã từ chối bình luận về các cuộc thảo luận trong cuộc họp trên hay về việc cân bằng các ưu tiên của những phe phái khác nhau trong Taliban.

[Afghanistan: NRF tố cáo Taliban đang thanh lọc sắc tộc ở tỉnh Panjshir]

Zahid Hussain, một chuyên gia Pakistan về Taliban, cho biết Taliban đã thay đổi, không còn là một nhóm thống nhất mạnh mẽ do người sáng lập Mullah Omar chỉ huy như hồi thập kỷ 1990. Thời kỳ đó, “Mullah Omar có quyền lực tuyệt đối.” Nhưng giờ đây, phong trào vũ trang Hồi giáo này có các hoạt động chính trị và quân sự riêng biệt nên cần sự phối hợp.

Chuyên gia Hussain cho rằng việc những chỉ huy cấp cao từng dành nhiều năm làm việc tại Văn phòng chính trị ở Doha để đàm phán với các cường quốc quốc tế giờ đây sẽ phải làm việc với các chỉ huy trẻ hơn - những người đã tham chiến và có thể đang mong đợi có tiếng nói trong việc thiết lập lại nền hòa bình ở Afghanistan - sẽ là một thách thức.

Theo một chỉ huy cấp cao của Taliban, khi lực lượng này tiến vào Kabul hôm 15/8 và phát hiện Phủ Tổng thống bị bỏ trống và số phận của thành phố bị bỏ mặc, sự hân hoan của những chiến binh tràn vào thủ đô đã che lấp những mâu thuẫn vốn cần phải được xử lý một cách thận trọng.

Một số thủ lĩnh cốt cán của nhóm, đến từ các khu vực gần Kandahar - thành trị cũ và cũng là nơi khai sinh phong trào Taliban ở miền Nam Afghanistan - đã cảnh giác với vai trò chính trị ngày càng tăng của nhóm Haqqani - lực lượng có đơn vị đặc nhiệm Badri313 tiên phong đánh chiếm Kabul.

Các nguồn tin của Taliban cho biết đơn vị này đã chiếm một loạt tòa nhà trọng yếu, bao gồm cả Phủ Tổng thống và trụ sở Bộ Quốc phòng, qua đó làm gia tăng ảnh hưởng của Haqqani. Đây là một nhóm hùng mạnh ở các khu vực giáp biên giới với Pakistan mà bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài.”

Một chỉ huy Taliban yêu cầu giấu tên nói: “Phe Kandahar và Zabul trước đây từng có quyền lực hơn trong quá trình ra quyết sách, nhưng giờ đây nhóm Haqqani đang chiếm ưu thế hơn khi họ giành quyền kiểm soát Kabul.”

“Không còn là một tổ chức thống nhất”

Ngay cả trong nhóm chỉ huy cốt lõi của miền Nam cũng có lòng trung thành khác nhau đối với những thủ lĩnh cấp cao như Baradar và những nhân vật khác, trong đó có Yaqoob - con trai của Mullah Omar và có lực lượng ủng hộ riêng ở Kandahar.

Sự sụp đổ của Kabul cũng chứng kiến sự xuất hiện của những gương mặt mới như Anas Haqqani, con trai út của một trong những người sáng lập mạng lưới Haqqani, từng bị cáo buộc đứng sau một số vụ đánh bom liều chết kinh hoàng nhất trong thời kỳ chiến tranh. Một nhà ngoại giao phương Tây có kinh nghiệm lâu năm ở khu vực nhận định: “Chúng không còn là một khối thống nhất, và mỗi nhóm trong đó cũng không có sự đoàn kết.”

Trong những ngày sau khi Kabul sụp đổ, Anas Haqqani đã đóng một vai trò chính trị ngày càng rõ ràng, nổi lên từ cái bóng của anh trai Sirajuddin Haqqani, phó thủ lĩnh của Taliban, kẻ chưa từng xuất hiện công khai trước công chúng và bị Mỹ treo thưởng tới 10 triệu USD cho những ai có thông tin giúp tóm hoặc tiêu diệt được Sirajuddin.

Cai trị “Afghanistan mới”: Thách thức cấp bách của Taliban ảnh 2Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Dân tộc Tối cao Afghanistan (HCNR) Abdullah Abdullah (giữa) và trưởng phái đoàn đàm phán của Taliban Anas Haqqani (thứ 2, trái) tới dự cuộc họp tại Afghanistan tối 18/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Được thúc đẩy bởi những thành công của đơn vị Badri313, Haqqani đã trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất của Taliban trên mạng xã hội kể từ khi Kabul thất thủ, thường xuyên xuất hiện trong các bức ảnh ở khắp mọi nơi từ sân bay quốc tế đến cuộc gặp với các thành viên của đội cricket nổi tiếng của Afghanistan.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ TRT World, Anas Haqqani cho biết muốn trở thành một người lính hoặc được làm việc và phục vụ nhân dân, song cũng nói thêm: “Nếu họ bảo tôi đứng sang một bên, tôi sẽ làm.”

Trong nhiều năm, quân đội Mỹ và chính phủ được phương Tây hậu thuẫn ở Kabul đã cố khai thác những chia rẽ trong nội bộ Taliban bằng cách mời các chỉ huy được cho là cởi mở hơn tham gia các cuộc đàm phán, nhưng không thành công trong việc phá vỡ phong trào này.

Bên ngoài Afghanistan, các quốc gia đang cố gắng tìm hiểu trật tự mới ở Taliban cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ để xem liệu các nhóm khác nhau có thể duy trì một mục đích chung hay không khi những thách thức trong việc điều hành đất nước ngày càng gia tăng. Một quan chức ngoại giao cấp cao trong khu vực nói: “Đối với Taliban, tốc độ là điều cốt yếu. Nâng cao thu nhập và phục hồi nền kinh tế sẽ là thách thức lớn nhất với họ.”

Cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng (càng trở nên tồi tệ hơn khi hàng nghìn chuyên gia được đào tạo và có trình độ đã rời khỏi Kabul) cùng với thách thức an ninh đang nổi lên từ một nhánh địa phương của IS là những thách thức cấp bách nhất.

Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, Afghanistan hiện đang đứng trước nguy cơ bị cắt hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài từng giúp giữ cho nền kinh tế phát triển, cũng như hạn hán nghiêm trọng đe dọa dẫn đến một thảm họa nhân đạo.

Taliban đã hứa sẽ ân xá cho những người từng là đối thủ của họ và đảm bảo các quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo. Taliban cũng cam kết cho phép người dân tự do đi lại và đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao với các cường quốc nước ngoài, bao gồm cả Mỹ.

Lời đề nghị cũng đã được đưa ra với các lãnh đạo trong chính quyền cũ như cựu Tổng thống Hamid Karzai, nhưng vai trò của các nhân vật liên quan đến chính quyền cũ sẽ chỉ mang tính biểu tượng hay hơn thế vẫn đang cần được xem xét.

Trong số những cái tên nổi lên với tư cách là các bộ trưởng tiềm năng, có vẻ như hầu hết là các chỉ huy kỳ cựu từ các tỉnh miền Nam, những nhân vật mà sự hiện diện của họ trong chính phủ sẽ không báo hiệu một cách tiếp cận cởi mở hơn.

Hiện cũng chưa rõ Taliban sẽ đối xử thế nào với các nhóm sắc tộc như người Tajik nói tiếng Iran hay người Hazara chủ yếu theo dòng Hồi giáo Shiite - vốn rất không tin tưởng vào sự cai trị của người Pashtun chiếm ưu thế trong lực lượng Taliban và lâu nay vẫn luôn xuất hiện trong hàng ngũ lãnh đạo ở Afghanistan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục