Căng thẳng Mỹ-Iran: Đảm bảo an toàn cho lao động Việt tại Trung Đông

Để đảm bảo sự an toàn người lao động Việt Nam đang làm việc tại khu vực Trung Đông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang đưa ra các phương án chủ động ứng phó trong mọi tình huống.
Căng thẳng Mỹ-Iran: Đảm bảo an toàn cho lao động Việt tại Trung Đông ảnh 1Lao động Việt Nam chuẩn bị giấy tờ trước khi đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Liên quan đến tình hình căng thẳng leo tháng tại Trung Đông sau vụ quân đội Mỹ không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad của Iraq, khiến Tướng Qassem Soleimani thiệt mạng, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết cơ quan này đang yêu cầu các doanh nghiệp cử lao động sang thị trường này rà soát, thống kê danh sách, địa chỉ của người lao động và các chủ sử dụng lao động để khi cần sẽ hỗ trợ người lao động.

Trao đổi với phóng viên ngày 7/1, ông Nguyễn Gia Liêm cho hay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã yêu cầu Ban quản lý lao động tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia tăng cường theo dõi thông tin tận nơi để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

['Căng thẳng địa chính trị thế giới đang ở mức cao nhất thế kỷ']

“Để đảm bảo sự an toàn người lao động, chúng tôi cũng đã đưa ra các phương án chủ động ứng phó trong mọi tình huống,” ông Nguyễn Gia Liêm nói.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội,  hiện có khoảng 27.000 lao động Việt Nam đang làm các công việc xây dựng, cơ khí, giúp việc gia đình... ở khu vực Trung Đông, chủ yếu tập trung tại UAE, Saudi Arabia, Qatar, Bahrain, Oman.

Thị trường Saudi Arabia chiếm hơn 20.000 người trong tổng số lao động nói trên. Riêng trong năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa trên 1.100 lao động sang làm việc tại thị trường này.

Lao động Việt Nam làm việc ở thị trường Trung Đông được đánh giá là thông minh, cần cù nhưng do hạn chế về ngoại ngữ và chưa thích nghi được với điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên gặp nhiều khó khăn hơn so với các lao động đến từ các nước nói tiếng Arab. 

Những năm gần đây, lượng lao động Việt Nam sang thị trường Trung Đông giảm sút do mức lương không còn hấp dẫn, điều kiện làm việc khắc nghiệt và yếu tố an ninh không đảm bảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục