Chỉ số giá tiêu dùng của thành phố Hà Nội tháng 2 tăng 1,16%

Trong 2 tháng đầu năm, nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân tăng cao so với bình quân cùng kỳ của Hà Nội là nhóm giao thông tăng 13,95%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,76%.
Chỉ số giá tiêu dùng của thành phố Hà Nội tháng 2 tăng 1,16% ảnh 1CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tại Hà Nội tăng 2,39% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. (Ảnh: TTXVN)

Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1,16% so với tháng trước, tăng 1,26% so với tháng 12/2021 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 2,39% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 2, nhóm giao thông tăng 2,17% so với tháng trước (tác động làm tăng CPI chung 0,21%) chủ yếu do giá xăng, dầu điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp từ đầu năm 2022 đến nay (xăng tăng 8,1%; dầu diezen tăng 7,3%).

Tiếp theo là nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng 2,02% (tác động làm tăng CPI chung 0,63%) do nhu cầu tiêu thụ của người dân trong dịp Tết tăng cao (trong đó, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,28%; thực phẩm tăng 1,74%; lương thực tăng 0,66%).

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,78%, do trong tháng thành phố tiếp tục cho phép mở cửa trở lại các rạp chiếu phim, khu di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đón du khách sau thời gian dài tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19.

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,12% do ảnh hưởng của giá gas và dầu thế giới trong tháng tăng cao.

Một số nhóm đều có chỉ số tăng nhẹ như nhóm đồ uống và thuốc lá, may mặc, mũ nón, giầy dép, thuốc và dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông, giáo dục, hàng hóa và dịch vụ khác. Riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình bằng tháng trước.

Trong 2 tháng đầu năm nay, một số nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân tăng cao so với bình quân cùng kỳ là nhóm giao thông tăng 13,95%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,76%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,18%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,85%.

Các nhóm còn lại có chỉ số CPI tăng nhẹ như may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; hàng hóa và dịch vụ khác.

Có 3/11 nhóm hàng CPI bình quân 2 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ là văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,42%; giáo dục giảm 3,4%.

Sau một thời gian dài đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19, từ giữa tháng 2 Hà Nội cho phép các điểm du lịch, di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn Thành phố hoạt động trở lại đón du khách trong dịp đầu năm mới Nhâm Dần.

[Dự báo lạm phát của nền kinh tế Việt Nam năm 2022 trong tầm kiểm soát]

Cùng với việc dần mở cửa đón khách du lịch quốc tế, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air mở rộng thêm nhiều đường bay tới các nước trong khu vực và quốc tế, trong đó có nhiều quốc gia là thị trường khách du lịch lớn của Hà Nội như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và các nước châu Âu cho thấy ngành du lịch Hà Nội đang có nhiều biện pháp góp phần phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.

Khách quốc tế (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng Hai ước tính đạt 15.000 lượt khách, giảm 5% so với tháng trước và tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế do cơ sở lưu trú phục vụ đạt 30.000 lượt khách, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng Hai ước tính đạt 92.000 lượt khách, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, khách trong nước đến Hà Nội đạt 182.000 lượt khách, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình kinh doanh khách sạn: Do tháng Hai trùng với Tết Nguyên đán nên công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1 đến 5 sao chỉ đạt 13,6%; công suất sử dụng phòng trung bình của các khách sạn đón khách cách ly COVID-19 đạt 13,2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục