Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó khẩn cấp về y tế tại các tỉnh biên giới

Bộ Y tế phối hợp cùng IOM tổ chức hội thảo chia sẻ phương pháp và bài học kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị và ứng phó với các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng tại các tỉnh biên giới.
Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó khẩn cấp về y tế tại các tỉnh biên giới ảnh 1Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Ngày 9/2, Hội thảo “Chia sẻ phương pháp và bài học kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị và ứng phó với các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng tại các tỉnh biên giới Việt Nam” được Bộ Y tế phối hợp cùng Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và các đơn vị liên quan tổ chức tại Đà Nẵng.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, bác sỹ...trong nước và quốc tế.

Các đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề như: tình hình COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ và công tác phòng, chống, kiểm soát dịch ở Việt Nam và trên thế giới; đảm bảo sức khỏe của người di cư trong các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng; tổng quan về Dự án “Nâng cao năng lực y tế công cộng trong việc mở cửa trở lại du hành quốc tế an toàn”...

[Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực y tế ở Việt Nam]

Nêu tổng quan về công tác nâng cao năng lực y tế công cộng trong việc mở cửa trở lại du khách quốc tế an toàn tại Việt Nam, ông Bùi Mạnh Hưng, cán bộ quốc gia về sức khỏe người di cư, IOM Việt Nam cho hay hoạt động nâng cao năng lực y tế được triển khai 6 tỉnh biên giới (Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh) và 5 sân bay quốc tế (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc).

Hoạt động này đã đánh giá nhu cầu về trang thiết bị và vật tư phòng, chống dịch; cung cấp và hỗ trợ lắp đặt thiết bị, vật tư theo nhu cầu thực tiễn; tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đào tạo cán bộ kiểm dịch y tế, Bộ đội Biên phòng, hải quan làm việc tại cửa khẩu các hướng dẫn chuyên môn và quy trình thao tác; hỗ trợ hoạt động tiêm ngừa COVID-19 tại các xã biên giới; tổ chức sự kiện truyền thông cộng đồng về lợi ích của tiêm ngừa vaccine COVID-19.

Ông Bùi Mạnh Hưng cho biết thêm hoạt động đã phần nào trang bị các kiến thức cập nhật về biện pháp phòng, chống dịch và mô hình ứng phó trong tình trạng y tế khẩn cấp tới cán bộ tuyến đầu làm việc tại cửa khẩu, cán bộ y tế các cấp; nâng cao nhận thức của hơn 20.000 người di cư và cư dân sinh sống tại biên giới bao gồm cả nhóm dân tộc thiểu số về tác hại của bệnh truyền nhiễm…

Chia sẻ về tình hình sức khỏe người di cư, ông Aiko Kaji, cán bộ Thực thi và Phát triển Dự án Sức khỏe Di cư, cho biết hơn 1 tỷ người đang di cư trên toàn thế giới và con số này ngày càng tăng. Năm 2020 có 281 triệu người di cư quốc tế giữa các quốc gia; 736 triệu người di cư trong nước.

Mặc dù hạn chế di chuyển do COVID-19 có thể ảnh hưởng đến các xu hướng trong tương lai nhưng tình hình di cư quốc tế vẫn năng động nhờ động lực khác nhau của từng khu vực và tùy từng bối cảnh.

Theo ông Aiko Kaji, việc di cư không gây ra bệnh tật, nhưng dân di cư biến động dễ gặp rủi ro hơn do hoàn cảnh di cư, sinh sống và làm việc. Di biến động dân số tác động đến y tế công cộng khi dân di cư tương tác với cộng đồng mà họ đến trong phạm vi và qua đường biên giới ở quy mô lớn hơn.

Đặc biệt, khối lượng, tốc độ và sự dễ dàng đi lại có thể đặt ra thách thức lớn đối với việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Điều này sẽ càng trở nên trầm trọng nếu hệ thống quản lý biên giới và y tế cộng đồng không được chuẩn bị sẵn sàng. Cần phối hợp hành động chặt chẽ trên toàn hệ thống, đa ngành để ứng phó với các mối đe dọa y tế cộng đồng.

Với nhiệm vụ cốt lõi là di biến động dân số và di cư, IOM tiếp cận việc phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với mối đe dọa sức khỏe từ góc độ di cư con người.

Để quản lý các vấn đề sức khỏe người di cư, tại Việt Nam đã thành lập Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư (NHWG) vào tháng 5/2021.

Nhóm này đóng vai trò là cơ chế điều phối quốc gia cho phép các vụ thuộc nhiều bộ khác nhau quản lý các vấn đề sức khỏe người di cư và phối hợp với các bên liên quan để thúc đẩy xây dựng triển khai các can thiệp, chính sách y tế thân thiện với người di cư.

Báo cáo về tình hình bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam, ông Hoàng Văn Ngọc, Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, cho hay đến nay Việt Nam đã công bố 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tuyên Quang. Hai trường hợp này đều được xác định có nguồn bệnh từ bên ngoài Việt Nam.

Để đề phòng bệnh dịch này, Bộ Y tế đã ban hành công văn gửi về các địa phương yêu cầu tăng cường giám sát; thường xuyên cập nhật các thông tin dịch bệnh tới người dân, các cơ quan báo đài và truyền thông minh bạch bằng nhiều hình thức; xây dựng thông điệp, hỏi đáp và tài liệu truyền thông, tập huấn các nhân viên y tế tại các địa phương…

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán, xác định bệnh tại các Viện Vệ sinh dịch tễ; giám sát chặt dịch bệnh tại các cửa khẩu, cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị bệnh nhân; đẩy mạnh truyền thông; đề nghị WHO, CDC Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ sinh phẩm chẩn đoán, thuốc kháng virus, vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ…

Theo WHO, hiện COVID-19 vẫn là mối đe dọa về y tế cộng đồng; giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc. Đặc biệt, các biến thể mới làm dịch phức tạp và tăng trở lại.

Vaccine là biện pháp quan trọng, khuyến khích các quốc gia chuyển tiếp từ đáp ứng với đại dịch sang quản lý bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục