Chính phủ Nga hỗ trợ khẩn cấp ngành hàng không 316 triệu USD

Thông báo của chính phủ nêu rõ các khoản hỗ trợ từ nhà nước sẽ giúp các hãng hàng không vượt qua những khó khăn vì đại dịch và giúp bảo toàn nguồn lực lao động trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Chính phủ Nga hỗ trợ khẩn cấp ngành hàng không 316 triệu USD ảnh 1Máy bay của hãng hàng không Aeroflot. (Nguồn: flickr)

Ngày 14/5, Chính phủ Nga công bố khoản hỗ trợ khẩn cấp 23,4 tỷ ruble (316 triệu USD) cho các hãng hàng không của nước này đang chịu tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố khoản tiền hỗ trợ được trích từ quỹ dự trữ nhưng chỉ khi chính phủ công bố sắc lệnh chính thức các hãng hàng không mới có thể nộp đơn xin hỗ trợ.

Cơ quan Hàng không dân dụng Liên bang Nga cho biết hãng hàng không Aeroflot đã nộp đơn xin hỗ trợ. Các hãng hàng không nước này có thể sử dụng tiền hỗ trợ chi trả các khoản như tiền lương nhân viên và phí thuê máy bay.

Thông báo của chính phủ nêu rõ các khoản hỗ trợ từ nhà nước sẽ giúp các hãng hàng không vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hạn chế đi lại vì dịch bệnh diễn biến phức tạp và giúp bảo toàn nguồn lực lao động trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

[Nga: Các doanh nghiệp nhỏ cần hỗ trợ để vượt qua khủng hoảng]

Từ cuối tháng 1/2020, Nga bắt đầu giảm các chuyến bay quốc tế, đầu tiên là tới Trung Quốc, sau đó là tới các quốc gia khác ở châu Âu.

Trong cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp hôm 13/5, Tổng thống Putin nhận định trong lĩnh vực giao thông thì ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nhất.

Số lượng các chuyến bay quốc tế đã giảm khoảng 90% trong khi các chuyến bay nội địa cũng giảm khoảng 88%.

Từ cuối tháng 3, Nga đã hủy tất cả các chuyến bay quốc tế, ngoại trừ những chuyến bay đưa công dân nước ngoài về nước hoặc đưa công dân nước này từ nước ngoài trở về. Các chuyến bay nội địa vẫn được duy trì nhưng nhiều hãng hàng không lựa chọn ngừng mọi dịch vụ.

Cùng ngày, Chính phủ Ba Lan cho biết đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) tăng thêm 10% các khoản hỗ trợ cho nông nghiệp trong ngân sách 7 năm tới đây.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết đã đưa ra đề xuất trên đối với ngân sách EU giai đoạn 2021-2027 trong một bức thư gửi các nhà lãnh đạo EU và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Năm 2018, EC đã đề xuất chi 324,2 tỷ euro (tương đương 350 tỷ USD) cho chương trình Chính sách Nông nghiệp chung (CAP), là khoản chi tiêu riêng lớn nhất của khối và là một ưu tiên cho các nước nông nghiệp dễ bị tổn thương như Pháp, Ba Lan và Tây Ban Nha.

Người đứng đầu Chính phủ Ba Lan nhấn mạnh ngành nông nghiệp với lực lượng lao động đang già hóa và ngày càng nhiều trang trại mới, đang là chủ lực trong cuộc chiến của châu Âu chống dịch COVID-19.

Theo ông Morawiecki, nông nghiệp "đã bảo đảm cung cấp lương thực ổn định cho các khu vực chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ba Lan ước tính EU cần tăng 10% ngân sách dành cho CAP (tương đương 0,03% GDP của EU) so với mức đã đề xuất trong năm 2018.

Mặc dù vậy, trong thư, Thủ tướng Morawiecki không đưa ra các biện pháp cụ thể để EU có thể tăng hỗ trợ tài chính theo đề xuất của ông./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục