Chính phủ Sri Lanka vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Ngày 11/7, chính phủ Sri Lanka đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ do một đảng đối lập khởi xướng, theo đó Quốc hội nước này đã phủ quyết kiến nghị với 119 phiếu chống và 92 phiếu thuận.
Chính phủ Sri Lanka vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ảnh 1Binh sỹ Sri Lanka gác bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Kattankudy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/7, chính phủ Sri Lanka đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ do một đảng đối lập khởi xướng, theo đó Quốc hội nước này đã phủ quyết kiến nghị với 119 phiếu chống và 92 phiếu thuận trong tổng số 225 nghị sỹ.

Cuộc bỏ phiếu được tiến hành sau 2 ngày tranh luận tại Quốc hội. Kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ do đảng Janatha Vimukthi Peramuna (JVP) đưa ra.

Đảng này cho rằng chính phủ phải từ chức vì đã không ngăn chặn được các vụ tấn công khủng bố vào dịp lễ Phục sinh vừa qua nhằm vào 3 khách sạn và 3 nhà thờ làm hơn 250 người thiệt mạng.

Phát biểu tại Quốc hội, thủ lĩnh JVP Anura Kumara Dissanayaka cho biết đảng này kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, các bộ trưởng trong nội các và chính phủ vì không hành động nhanh chóng để ngăn chặn các vụ đánh bom liểu chết hôm 21/4, mặc dù cảnh sát đã biết trước khả năng xảy ra tấn công khủng bố.

[Tổng thống Sri Lanka bác bỏ thỏa thuận quân sự với Mỹ]

Tuy nhiên, những người ủng hộ chính phủ cho rằng không công bằng khi đổ lỗi cho chính phủ và Thủ tướng Wickremesinghe khi cơ quan an ninh, bao gồm cả cảnh sát, nằm dưới sự điều hành của Tổng thống đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng Maithripala Sirisena.

Giới phân tích nhận định chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trên sẽ tăng sức mạnh cho Thủ tướng Ranil Wickremesinghe trước thềm tổng tuyển cử dự kiến diễn ra năm nay, trong đó Thủ tướng Wickremesinghe và Tổng thống Sirisena được cho là sẽ tham gia tranh cử.

Loạt vụ tấn công dịp lễ Phục sinh vừa qua là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất ở Sri Lanka kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này kết thúc cách đây một thập kỷ.

Tám vụ tấn công xảy ra gần như đồng thời làm hơn 250 người thiệt mạng, trong đó có 45 công dân nước ngoài. Ngoài ra có 500 người bị thương. Sri Lanka đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ sau vụ việc kinh hoàng trên.

Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã tuyên bố chủ mưu vụ tấn công, song giới chức Sri Lanka nghi các thành viên của 2 nhóm phiến quân National Thawheedh Jamaath và Jammiyathul Millathu Ibrahim là thủ phạm các vụ tấn công này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục