Cho vay sai quy định, nguyên giám đốc chi nhánh BIDV lãnh 7 năm tù

Về khắc phục hậu quả vụ án, Tòa tuyên buộc các bị cáo cùng Công ty Kenmark phải bồi thường tổng cộng hơn 180 tỷ đồng cho BIDV; tòa ghi nhận các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả hơn 3,3 tỷ đồng.
Cho vay sai quy định, nguyên giám đốc chi nhánh BIDV lãnh 7 năm tù ảnh 1Bị cáo Đỗ Quốc Hùng (cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Thành Đô) tại tòa. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Sau 3 ngày xét xử và nghị án, chiều 16/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt bảy bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179-Bộ luật Hình sự năm 1999.

Cụ thể, năm bị cáo thuộc BIDV chi nhánh Thành Đô gồm: Đỗ Quốc Hùng (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc BIDV Thành Đô) bị phạt 7 năm tù; Lưu Thị Bích Thủy (sinh năm 1962, nguyên Phó Giám đốc) 5 năm 6 tháng tù, Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1978, nguyên Phó Trưởng phòng Tín dụng) 4 năm tù, Phạm Anh Tài (sinh năm 1961, nguyên Trưởng phòng Tín dụng) và Lại Minh Ngọc (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng Thẩm định) cùng lĩnh 3 năm tù.

Ngoài ra, hai bị cáo: Lê Vũ Thanh (sinh năm 1948, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh) và Đỗ Xuân Khoan (sinh năm 1973, nguyên Phó Trưởng phòng tín dụng BIDV chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh) cùng bị tuyên phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, lời khai của các bị cáo, Hội đồng xét xử xác định: Tổ thẩm định Dự án Việt Hòa-Kenmark gồm Đỗ Quốc Hùng, Lưu Thị Bích Thủy và nhiều người khác thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn của Công ty Kenmark đã đánh giá không đúng mức về các yếu tố rủi ro, đề xuất cho công ty này vay vốn.

[Xử 7 nguyên cán bộ ngân hàng: Không đủ điều kiện nhưng vẫn cho vay]

Trên thực tế, hồ sơ của Công ty Kenmark không đầy đủ tài liệu theo quy định; dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hiệu quả, khả thi, không phù hợp với quy định của pháp luật; năng lực tài chính không đảm bảo khả năng trả nợ trong thời hạn cam kết…

Tuy nhiên, Tổ thẩm định vẫn báo cáo kết quả thẩm định xác định Dự án đầu tư của Công ty Kenmark đáp ứng được các điều kiện cho vay theo quy định, phương án đầu tư có hiệu quả, khả thi, hồ sơ pháp lý đầy đủ, dẫn đến việc ngân hàng cho vay 52,8 triệu USD và hơn 57,4 tỷ đồng trái quy định.

Khi Công ty Kenmark dừng hoạt động, đại diện pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam, các ngân hàng phải thu nợ và bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Kenmark.

Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (27/9/2020), dư nợ không có khả năng thu hồi của Công ty Kenmark tại các ngân hàng là hơn 15,5 triệu USD, tương đương hơn 360 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ không thu hồi được tại BIDV là hơn 7,8 triệu USD, tương đương hơn 180 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm nêu rõ trong vụ án này, các bị cáo là những người có chức trách, nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm chính giải ngân vốn vay nhưng đã không thực hiện đúng quy định, đề xuất việc cho vay khi dự án không đảm bảo trả nợ, vi phạm giải ngân, thiếu kiểm tra giám sát vốn vay, gây thiệt hại cho ngân hàng với số tiền lớn.

Trong số các bị cáo, Đỗ Quốc Hùng giữ vai trò cao nhất. Bị cáo Hùng là Giám đốc Chi nhánh ngân hàng, không thực hiện đúng chỉ đạo giải ngân hai bước của ngân hàng. Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo, nhận thức được sai phạm của bản thân, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra để nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc, không hưởng lợi cá nhân. Nhiều bị cáo được tặng thưởng bằng khen, giấy khen của ngành, gia đình có công với cách mạng… nên được Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình.

Về khắc phục hậu quả vụ án, Tòa tuyên buộc các bị cáo cùng Công ty Kenmark chịu trách nhiệm bồi thường tổng cộng hơn 180 tỷ đồng cho BIDV. Tòa ghi nhận các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả hơn 3,3 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục