Chuyện cuối tuần: Từ SEA Games 26 cho đến CĐHH

Nếu chức vô địch các giải bóng đá cũng được quyết định bằng số lượng tin nhắn thì có lẽ, Việt Nam có đủ sức vô địch thế giới!
Những ngày này, các huấn luyện viên người Đức đang là tâm điểm của cả bóng đá thế giới cũng như ở Việt Nam.

Tại lễ bốc thăm chia bảng vòng chung kết Euro 2012, tất cả đã hướng về Joachim Loew sau khi đội tuyển Đức rơi vào bảng “tử thần” cùng với Hà Lan, Bồ Đào Nha và Đan Mạch. “Chúng tôi đã sẵn sàng, chẳng có gì phải sợ cả,” huấn luyện viên đội tuyển Đức phát biểu sau lễ bốc thăm.

Còn tại Việt Nam, đồng hương của Loew là Falko Goetz thì lại không có được phong thái kiêu hãnh như thế. Cựu huấn luyện viên của Hertha Berlin đang phải chịu những áp lực rất lớn sau thất bại ở SEA Games 26. Nhiều người đã kêu gọi ông Goetz từ chức, hoặc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cần sa thải huấn luyện viên người Đức.

Tuy vậy, trong cuộc họp báo công khai đầu tiên sau SEA Games 26, VFF đã lên tiếng bảo vệ Goetz và tuyên bố sẽ cho ông này thêm cơ hội. Ngoài ra, cả VFF lẫn ông Goetz đều đổ lỗi cho việc V-League có quá nhiều ngoại binh là nguyên nhân chủ yếu khiến đội nhà thất bại.

Dĩ nhiên, lời giải thích đó không nhận được sự đồng tình của dư luận, và có người đã ví cách VFF bảo vệ ông Goetz với cách ban tổ chức “Cặp đôi hoàn hảo” bảo vệ ban giám khảo của chương trình thực tế này.
Có thể nói, bên cạnh cuộc “mổ xẻ” thất bại của đội U23 Việt Nam ở SEA Games 26 thì những lùm xùm quanh cuộc thi “Cặp đôi hoàn hảo” cũng là chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong tuần qua. Và giữa hai sự kiện này, người ta cũng tìm thấy rất nhiều điểm chung khác, mà một trong những điểm chung lớn nhất xuất phát từ… khán giả.

Còn nhớ, trong thời gian diễn ra SEA Games 26, khi mà tinh thần màu cờ sắc áo đang lên cao, đâu đâu cũng thấy xuất hiện những lời ca ngợi đội quân của ông Goetz. Còn những ý kiến phản biện trái chiều thì bị xem là “tiêu cực,” “phá hoại” và thậm chí là “không yêu nước”!

Nhưng đến khi các cầu thủ thể hiện tinh thần thi đấu đáng thất vọng ở trận tranh huy chương đồng với Myanmar thì những lời lẽ “vuốt ve” của người hâm mộ đã chuyển thành sự tức giận. Đi kèm theo đó là lời chỉ trích chiến thuật của huấn luyện viên người Đức, chỉ trích quá trình chuẩn bị cho giải đấu của VFF cũng như trách nhiệm của trưởng đoàn. Không những thế, nhiều ý kiến còn đi xa hơn khi đặt nghi vấn bán độ đối với một số cầu thủ.

Thế nên, vấn đề đặt ra ở đây là nếu như trong thời gian diễn ra giải đấu, những ý kiến phản biện được lắng nghe, thay vì bị vùi dập là “phá hoại” thì liệu thất bại của đội U23 có khó tiêu hóa như bây giờ?

Tương tự, sau đêm thi đầu tiên của chương trình “Cặp đôi hoàn hảo,” giám khảo - đạo diễn Lê Hoàng từng bị chỉ trích nặng nề chỉ vì những lời nhận xét thẳng thắn và cách cho điểm chặt tay của mình. Trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện những trang kêu gọi tẩy chay vị giám khảo khó tính này.

Nhưng sau đêm bán kết diễn ra cuối tuần trước, tình thế đã đảo ngược hoàn toàn khi Lê Hoàng lại được ca ngợi hết lời, những giám khảo còn lại thì bị cho là chấm điểm thiếu công tâm. Trong ki đó, ở những cuộc thi mà tin nhắn của khán giả quyết định tới 50% thì vai trò của ban giám khảo lại càng cần phải được đề cao.

Từ hai dòng sự kiện thu hút được nhiều dư luận này, có thể thấy tâm lý khán giả nói chung thường mang nặng cảm tính, rất dễ bị dao động, mà nói theo nhiều người thì đây chính là biểu hiện rõ nhất của cái gọi là “tâm lý đám đông.”

Do đó, với “tâm lý đám đông” ấy, nhiều người mới nói nửa đùa nửa thực rằng, nếu chức vô địch các giải bóng đá cũng được quyết định bằng số lượng tin nhắn thì có lẽ, Việt Nam đủ sức vô địch thế giới chứ không chỉ là Đông Nam Á!

 
Hoài Sa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục