Mỗi năm, thế giới khai thác lượng nhiên liệu hóa thạch đáng kinh ngạc, với khoảng 36,5 tỷ thùng dầu và hơn 8 tỷ tấn than.
Khi những nhiên liệu hóa thạch này bị đốt cháy sẽ giải phóng các loại khí gây hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tại Tuần lễ Khí hậu ở New York, hàng nghìn người biểu tình đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngay bây giờ” và gửi thư cho Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu ông cam kết loại bỏ dần việc khai thác nhiên liệu hóa thạch ở Mỹ.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thế giới đột nhiên ngừng khai thác nhiên liệu hóa thạch? Và điều đó có ý nghĩa gì đối với những nỗ lực loại bỏ nguồn nhiên liệu mà nhân loại đã phụ thuộc trong nhiều thế kỷ?
Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng việc ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đột ngột sẽ là một thảm họa.
Samantha Gross, Giám đốc Sáng kiến Khí hậu và An ninh Năng lượng tại Viện Brookings cho biết nếu ngừng khai thác nhiên liệu hóa thạch, thế giới sẽ nhanh chóng bị đình trệ.
Ngay cả những khu vực sử dụng phần lớn bằng năng lượng tái tạo, nhiên liệu hóa thạch thường được sử dụng để cung cấp nguồn điện “ổn định” có thể bật bất cứ lúc nào cả vào ban ngày hay ban đêm. Nếu không có nguồn điện đó, điện lưới sẽ bị mất trên diện rộng.
Trong vòng vài tuần, việc thiếu dầu - nhiên liệu chính được sử dụng cho vận tải đường bộ và vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới - sẽ cản trở việc vận chuyển thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác.
Gross giải thích: “Ngay cả khi tôi có thể đi bộ đến cửa hàng tạp hóa thì ở đó cũng sẽ không có thức ăn. Các chính phủ có thể nỗ lực hạn chế nhu cầu và phân bổ các kho nhiên liệu hóa thạch - nhưng ngay cả những nguồn dự trữ đó cũng không tồn tại được bao lâu. Ví dụ, kho dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ hiện chứa khoảng 347 triệu thùng dầu, chỉ đủ để nước này sử dụng trong 17 ngày với mức tiêu thụ hiện tại."
Tất nhiên, việc loại bỏ đột ngột nhiên liệu hóa thạch không phải là điều mà các nhà hoạt động môi trường thực sự yêu cầu.
Nhiều nhóm bảo vệ môi trường đang tập trung vào việc ngăn chặn hoạt động khai thác dầu khí mới, phù hợp với các mô hình cho thấy bất kỳ hoạt động sản xuất dầu khí mới nào cũng sẽ đẩy nhiệt độ thế giới vượt qua ngưỡng 1,5 độ C.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cơ quan lập mô hình chuyển đổi năng lượng theo hướng không phát thải carbon, cho biết thế giới không cần phải khai thác các mỏ than hoặc phát triển các dự án dầu khí mới.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, cơ quan này cho biết “cần tiếp tục đầu tư vào một số dự án dầu khí hiện có và các dự án đã được phê duyệt khác.”
Olivier Bois von Kursk, nhà phân tích chính sách tại Viện Phát triển Bền vững Quốc tế, chỉ ra rằng trung bình các mỏ dầu và khí đốt mất khoảng 4% sản lượng mỗi năm do áp suất hồ chứa giảm.
Con số này gần với mức giảm khoảng 3% mỗi năm mà IEA đã lập mô hình trong kịch bản cắt giảm lượng khí thải xuống 0 vào năm 2050.
[Saudi Arabia: Thế giới sẽ mất 30 năm để chuyển sang năng lượng tái tạo]
Nhưng để đạt mục tiêu này, thế giới cần phải phát triển nhanh chóng các phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo.
IEA dự đoán thế giới sẽ phải tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trong vòng 7 năm tới để cắt giảm 20% nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Các quốc gia cũng sẽ cần thúc đẩy việc mở rộng nhanh chóng xe tải điện và phát triển hơn nữa các công nghệ mới như thu hồi carbon và hydro.
Tuy nhiên, các giếng dầu và khí đốt mới vẫn tiếp tục xuất hiện trên khắp thế giới. Theo một báo cáo gần đây của Oil Change International, Mỹ chiếm đến 1/3 kế hoạch mở rộng khai thác nhiên liệu hóa thạch từ nay đến năm 2050.
Và các nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu tranh luận về việc liệu các nước phát triển có nên ngừng sản xuất nhiên liệu hóa thạch trước tiên hay không - vì họ đã thải ra nhiều khí carbon nhất cho đến nay - hay tiếp tục sản xuất để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu hóa thạch ổn định cho phần còn lại của thế giới.
Khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, việc phát triển năng lượng tái tạo cần được cân bằng với giảm dần nhiên liệu hóa thạch. Nhưng việc xác định thời điểm cho hai quá trình khó khăn và phức tạp này lại không hề dễ dàng.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol bày tỏ lo lắng việc hạn chế nhiên liệu hóa thạch có thể khiến công nhân ngành than, dầu và khí đốt thất nghiệp và dẫn đến một số phản ứng dữ dội.
Các nhà hoạt động khí hậu và các nhà hoạch định chính sách từ lâu đã tranh luận về việc nên tập trung vào các hành động vì khí hậu như cắt giảm nhu cầu bằng cách phát triển năng lượng tái tạo, loại bỏ dần ôtô chạy bằng xăng dầu - hoặc cắt giảm nguồn cung bằng cách ngừng sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Cho đến nay, các chính phủ vẫn chưa chú trọng nhiều vào việc cắt giảm nguồn cung. Việc này khiến các nhà hoạt động môi trường cảm thấy thất vọng bởi con người không còn nhiều thời gian để đạt được các mục tiêu về khí hậu./.