Cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran: Đích đến còn xa vời?

Cuộc bầu cử tổng thống khó có khả năng thay đổi lập trường đàm phán của Iran, bởi cho dù ai là tổng thống, mọi thỏa thuận - nếu có - cũng đều phải qua được "cửa ải" của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.
Cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran: Đích đến còn xa vời? ảnh 1Toàn cảnh cuộc họp giữa đại diện Iran và các cường quốc về khôi phục đàm phán hạt nhân Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) tại Vienna, Áo ngày 27/4/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Reuters/foxnews.com, hàng loạt trở ngại đối với việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn còn đó, trước thời điểm Tehran và các cường quốc dự kiến quay trở lại đối thoại trong tuần này, một thực tế cho thấy đích đến đưa các bên trở lại tuân thủ thỏa thuận đạt được năm 2015 vẫn còn rất xa vời.

Khó khăn càng chồng chất với lịch trình diễn ra cuộc bầu cử Iran vào ngày 18/6 tới, sự kiện sẽ xác định ai là người kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani.

Nhiều người dự đoán tân tổng thống Iran sẽ là một nhân vật theo đường lối cứng rắn. Tuy nhiên, cuộc bầu cử khó có khả năng thay đổi lập trường đàm phán của Iran, bởi cho dù ai là tổng thống, mọi thỏa thuận - nếu có - cũng đều phải qua được "cửa ải" của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.

Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn nội các Iran Ali Rabiei phát biểu trong cuộc họp báo hàng tuần rằng chính sách đối thoại của Iran với các cường quốc về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ không thay đổi sau ngày 18/6.

Ông Rabiei nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thể hiện rằng chúng tôi tuân thủ chặt chẽ các cam kết quốc tế của mình trong mọi hoàn cảnh, và đó là quyết định ở cấp quốc gia.”

Theo quan chức này, chính sách hạt nhân của Iran do Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei quyết định, không liên quan tới các diễn biến trong nước, và chính quyền sẽ duy trì đúng những chính sách đã được xúc tiến trong các cuộc gặp tại Vienna từ tháng 4/2021. 

Cả Washington và Tehran đều không muốn trở lại vạch xuất phát và cũng không muốn thỏa thuận năm 2015 bị ảnh hưởng hơn nữa bởi chính trường của quốc gia Hồi giáo này. Tuần trước, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran Abbas Araqchi tuyên bố những trở ngại đối với việc hồi sinh thỏa thuận là rất phức tạp, song không phải là không thể vượt qua.

[Quan chức Iran: Sẽ không có thỏa thuận hạt nhân trong tuần này]

Tuy nhiên, giới ngoại giao cùng các quan chức Iran và các nhà phân tích hạt nhân có liên quan đều cho rằng những khúc mắc này khiến hai bên khó có thể nhanh chóng tìm ra giải pháp.

Những nhận định này khá tương đồng với các phát biểu không mấy lạc quan của Ngoại trưởng mỹ Antony Blinken ngày 7/6, người nói rằng Washington vẫn không chắc liệu Iran có sẵn sàng quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hay không.

Trong khi đó, giới chức Mỹ cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân mà các nhà đàm phán đang cố gắng khôi phục. Phái đoàn đàm phán của Mỹ nhấn mạnh trong một tuyên bố được Fox News trích đăng: “Kể từ cuộc gặp cuối, Iran cũng đã vượt quá các ràng buộc của JCPOA bằng cách làm giàu urani lên mức 60% U-235."

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, Rafael Grossi cũng đưa ra cảnh báo tương tự.

Ông Grossi nói: “Rõ ràng, những kỳ vọng của tôi về quá trình này đã không được đáp ứng… Chúng ta có một quốc gia với chương trình hạt nhân rất phát triển và đầy tham vọng, họ đang làm giàu urani ở cấp độ rất cao, rất gần với cấp độ để sản xuất vũ khí... Chính quyền Iran đã nhắc lại ý chí trong việc can dự và hợp tác cũng như có các phản hồi xác đáng... Nhưng cho đến nay họ vẫn chưa làm điều đó. Tôi hy vọng mọi chuyện có thể thay đổi, song phải thừa nhận là chưa có bất kỳ tiến bộ cụ thể về bất kỳ vấn đề nào.”

Cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran: Đích đến còn xa vời? ảnh 2Quốc kỳ Iran tại trụ sở phái bộ thường trực nước này tại Liên hợp quốc (UN) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ở Vienna, Áo. Giới chức Iran cùng các nước P5+1, ngoại trừ Mỹ, thông báo sẽ nhóm họp trực tiếp trong tuần tới tại Vienna để thảo luận về khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ali Vaez, nhà phân tích cấp cao tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, bình luận: “Tôi không nghĩ vòng đàm phán sắp tới sẽ là vòng cuối cùng... Các bên vẫn còn rất chia rẽ về những vấn đề cốt lõi.”

Các nhà ngoại giao cho rằng khi các bất đồng được hóa giải, nếu có thể, các bên sẽ cần thêm các cuộc thảo luận tế nhị về việc bên nào sẽ có hành động gì, và khi nào, để đổi lấy những bước đi tương ứng của phía bên kia.

Một nhà ngoại giao châu Âu cũng nhận định về tiến trình đàm phán diễn ra từ tháng 4 rằng đã có những tiến triển đáng kể, song các bên đang ở phần khó nhất, và cần có những quyết định then chốt.

Trong khi đó, một nhà ngoại giao phương Tây khác cho biết ông hy vọng vòng đàm phán tới có thể đem đến một thỏa thuận nào đó, dù vậy, ông vẫn tỏ ra khá thận trọng vì cho rằng mọi chuyện phụ thuộc vào khả năng “chúng tôi có thể giải quyết những vấn đề quan trọng nhất còn tồn đọng hay không, chúng tôi cũng không dám chắc.”

Trong khi đó, một quan chức Iran nói: “Mọi chuyện phụ thuộc vào Washington. Nếu Mỹ chấp nhận dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt, Iran sau đó sẽ trở lại tuân thủ tuyệt đối thỏa thuận."

Theo giới ngoại giao châu Âu, Iran đã có được những kiến thức và năng lực mà họ chưa từng có trước đây, chẳng hạn như lần đầu tiên sản xuất được kim loại urani có thể dùng làm lõi bom nguyên tử.

Ông Vaez cho biết những tiến triển từng được Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố năm nay không nằm trong phạm vi của thỏa thuận 2015, và việc khôi phục thỏa thuận cần phải tính đến những khía cạnh mới này. 

Bob Einhorn, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ và là nhà đàm phán hạt nhân Iran, cho rằng rất khó có khả năng hai bên đạt thỏa thuận trước thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử tổng thống tại Iran, song thay vào đó, hai bên có thể tìm đến một văn bản thỏa hiệp trong giai đoạn chuyển giao trước khi tân tổng thống lên nắm quyền.

Ông Einhorn, hiện làm việc tại viện nghiên cứu chính sách Brookings ở Washington, cho rằng nhà lãnh đạo mới có thể thu về một số lợi thế chính trị nếu hai bên thống nhất được một thỏa thuận nào đó trong giai đoạn chuyển tiếp này.

Theo ông, nhà lãnh đạo mới có thể chỉ trích những nhượng bộ của chính quyền đương nhiệm và sau đó nhận công về những cải thiện kinh tế mà thỏa thuận mang lại. 

Trong khi đó, Fox News mới đây đã có được những hình ảnh vệ tinh mới cho thấy hoạt động bất thường tại khu vực Sanjarian của Iran, nơi trước đây từng bị cho là cơ sở sản xuất "thiết bị sóng xung kích" cho phép Iran thu nhỏ vũ khí hạt nhân.

Những hình ảnh mới từ công ty Maxar, chuyên về công nghệ vũ trụ, cho thấy sự hiện diện của 18 phương tiện tại địa điểm này vào ngày 15/10/2020, và thêm nhiều phương tiện khác cũng như các hoạt động khai thác hồi tháng 1/2021, và sau đó là một lối vào mới với các tấm che từ tháng 3/2021.

Theo phân tích của chuyên gia Itay Bar Lev, làm việc tại phòng thí nghiệm Intel, từng cộng tác với Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, tất cả những gì thu được từ vệ tinh hiện nay là hình ảnh các vòng xoáy và các đường rãnh mới.

Địa điểm chỉ cách Tehran hơn 40km, với dân số khoảng 360 người, lần đầu tiên được biết đến khi cơ quan tình báo Mossad của Israel thu được các tài liệu hạt nhân mật của Iran hồi năm 2018, gồm 50.000 hồ sơ máy tính, và 50.000 hồ sơ giấy về chương trình Amad của Iran, một chương trình nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân mà IAEA cho biết là đã ngừng hoạt động vào năm 2003.

Israel nói rằng Iran vẫn theo đuổi vũ khí hạt nhân và IAEA - thất vọng vì sự thiếu minh bạch của Iran - tuyên bố họ cũng không thể loại trừ điều này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục