ĐBQH: Phát triển mạnh kinh tế biển cần song song với bảo vệ môi trường

Đại biểu Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế biển, song song với đó là cần bảo vệ môi trường biển.
Các giàn khoan tại mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Huy Hùng/ TTXVN)
Các giàn khoan tại mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Huy Hùng/ TTXVN)

Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa V, chiều ngày 22/7, các đại biểu thảo luận ở tổ để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Tham gia thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế biển.

Kinh tế biển sẽ là một trong những nền tảng chủ đạo

Đại biểu đồng tình với Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển 6 tháng cuối năm mà Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội.

“Chính phủ đặt mục tiêu đảm bảo an toàn, trật tự xã hội, chăm lo an sinh xã hội, sức khỏe người dân đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương. Tôi hết sức đồng tình với chương trình này, song chúng ta cần lồng nghép nội dung phòng chống dịch vào Nghị quyết chung của Quốc hội để từ đó có phương hướng kế hoạch, giải pháp hiệu quả,” ông cho biết.

Trong số các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến thể chế, khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, đại biểu cho rằng cần nhấn mạnh thêm vấn đề phát triển kinh tế biển, bởi biển có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế.

"Theo Nghị quyết 36 về Chiến lược Phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam, chúng ta phấn đấu đến năm 2030, GDP của 28 tỉnh ven biển chiếm 65-75% GDP của toàn quốc. Như vậy, kinh tế biển và ven biển sẽ trở thành một trong những nền tảng chủ đạo," đại biểu Tạ Đình Thi cho biết.

[Sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển bền vững kinh tế biển]

Ông nói thêm rằng để phát triển bền vững kinh tế biển, ngoài phát triển dựa vào ba trụ cột kinh tế-xã hội-môi trường thì biển còn có trụ cột quốc phòng-an ninh và đối ngoại-hợp tác quốc tế.

“Đảm bảo cân bằng được các trụ cột kể trên, biển mới phát triển bền vững,” ông nói.

Nhiều hạng mục cần được khơi thông

Nghị quyết 36 cũng nêu ra các ngành kinh tế được ưu tiên phát triển, đầu tiên là du lịch, dịch vụ biển; hàng hải; dầu khí và các ngành khoáng sản khác; thủy sản; năng lượng tại tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Đại biểu cho rằng kể từ 2020 đến nay, hoạt động du lịch, dịch vụ biển đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, từ đó cần phải rà soát lại xem nên đặt ra ưu tiên cho những hạng mục khác như nuôi trồng thủy hải sản, kinh tế ngành dầu khí.

ĐBQH: Phát triển mạnh kinh tế biển cần song song với bảo vệ môi trường ảnh 1Đại biểu Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 26, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần thực hiện đến năm 2025 và đến năm 2030, kèm theo Danh mục 51 đề án, dự án, nhiệm vụ giao các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là địa phương ven biển phải triển khai trong từng giai đoạn. Song, đại biểu Tạ Đình Thi cho hay việc triển khai diễn ra chậm, còn nhiều vấn đề cần được khơi thông.

Ông cũng chỉ ra rằng dữ liệu về biển và hải đảo Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế.

“Nhìn sang các quốc gia khác, có thể thấy họ có những đội tàu điều tra, khảo sát khoa học biển rất mạnh. Như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta muốn trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển thì phải đầu tư, quan tâm thỏa đáng,” đại biểu khẳng định.

Đại biểu nhấn mạnh rằng sự phát triển cũng phải tập trung ưu tiên bảo vệ môi trường, lấy phương thức phát triển dựa trên các hệ sinh thái đảm bảo cân bằng. Ông cho rằng việc bảo vệ môi trường ở một số lưu vực sông, kênh rạch, ao hồ không chỉ là ưu tiên quan trọng để phát triển kinh tế mà còn nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Theo ông Tạ Đình Thi, mối quan hệ giữa khai thác sử dụng biển và bảo vê biển là yêu cầu cấp thiết và Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo đã được Quốc hội thông qua thể hiện rất rõ tư tưởng này.

"Cần quản lý tổng hợp biển và hải đảo dựa trên hệ sinh thái, từ đó trong các hoạt động kinh tế, khai thác sử dụng biển cần phải chú trọng việc bảo vệ môi trường," ông nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục