Đêm Giao thừa đầy cảm xúc tại Bệnh viện Trung ương Huế

Tại trung tâm thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) có một nơi mà những người ở đây không biết Giao thừa đang đến, đó là Bệnh viện Trung ương Huế.
Đêm Giao thừa đầy cảm xúc tại Bệnh viện Trung ương Huế ảnh 1Kíp bác sỹ của Trung tâm Sản phụ, Bệnh viện Trung ương Huế miệt mài với công việc trong đêm Giao thừa. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Khi không khí Tết Kỷ Hợi 2019 đang cận kề là lúc các gia đình Việt trên khắp đất nước sum vầy, hân hoan đón chào Xuân mới. Nhưng tại trung tâm thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) có một nơi mà những người ở đây không biết Giao thừa đang đến, đó là Bệnh viện Trung ương Huế.

Đêm Giao thừa nghẹn lòng

Đêm 30 Tết, ba người phụ nữ- ba thế hệ trong gia đình chị Lê Thị Nguy (trú huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) ngồi lay lắt trên tấm chiếu trải dọc lối đi trước phòng chờ số 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đôi mắt chị Nguy long lanh: “Tết này, gia đình tôi không sắm sửa gì nhiều, không khí gia đình những ngày cuối năm đầy ảm đạm bởi không một ai có tâm trạng đón tết khi chồng tôi đang bị căn bệnh ung thư gan rút ngắn thời gian sống sót từng ngày.”

Chị không nhớ rõ gia đình mình đã túc trực ở đây bao lâu, chỉ quan tâm chị sẽ còn “được” ở đây thêm bao nhiêu lâu nữa. Bởi chồng chị còn ở đây ngày nào, chị sẽ còn hy vọng thời gian anh ở lại cùng gia đình được kéo dài.” Tết năm nay với chị thật buồn.

Cùng chung tâm trạng phập phồng lo lắng đêm Giao thừa, 5 người trong gia đình bà Trần Thị Kim Hoa (60 tuổi, trú phường Vỹ Dạ, thành phố Huế) vẫn liên tục đi lại trước khu vực cách ly, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Huế) để mong ngóng tình trạng sức khỏe người em gái ruột bị chấn thương do xung đột trong những ngày giáp Tết.

Bà Hoa chia sẻ, dù đã chuẩn bị mọi thứ đâu vào đấy để đón Tết nhưng sự việc xảy ra ngoài ý muốn và quá bất ngờ khiến gia đình bà rất lo lắng. Tết năm nay gia đình bà có lẽ sẽ không trọn vẹn vì không thể đông đủ mọi thành viên.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán tần suất các ca nhập viện cấp cứu vì tai nạn giao thông, bệnh lý tim mạch, phổi tăng rõ. Lý giải điều này, tiến sỹ, bác sỹ Trần Quốc Thắng (Trưởng khoa Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, giáp Tết các ca bệnh liên quan đến tai nạn giao thông hầu hết đều có men rượu. Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa khiến các bệnh lí về tim mạch, phổi tăng cao hơn so với thời gian trước.

Là một khoa có đặc điểm đón nhận bất kì nạn nhân nào vào mọi thời điểm, Khoa Cấp cứu luôn là khoa có lượng bệnh nhân cao của Bệnh viện Trung ương Huế. Dịp Tết năm nay, lượng công việc tại khoa tăng 30-50% so với các ngày thường. Hầu hết các y bác sỹ nơi đầy đều “lên dây cót” ngay từ lúc nhận ca trực, làm việc quần quật và quên cả Giao thừa.

Đón chờ Giao thừa ý nghĩa tại bệnh viện

Ở một nơi khác, tại Trung tâm Sản phụ, Bệnh viện Trung ương Huế, đêm 30 Tết vẫn vui mừng những bước chân qua lại của 11 y bác sỹ sản khoa cùng 17 thai phụ đang sắp sửa đón chờ các “thiên thần” ra đời.

Chị Ngô Thị Trâm Liên (25 tuổi, trú phường Thủy Xuân, thành phố Huế) đang nằm hồi hộp đếm từng giây từng phút để đón chào đứa con đầu lòng trong thời khắc giao thừa. Chị Liên nhập viện đã gần 1 tháng vì dấu hiệu suy thai, thai nhi 41 tuần tuổi. Chị cho biết, xen lẫn cảm giác lo lắng, chị rất hy vọng đứa con bé bỏng của chị sẽ ra đời đúng khoảnh khắc chuyển mùa, như vậy năm nay gia đình chị sẽ đón Tết thật đặc biệt và ý nghĩa.

Tết năm nay, nỗi buồn kém may mắn đón Giao thừa tại bệnh viện của những người bệnh tại 2 cơ sở Bệnh viện Trung ương Huế lại được thắp lên niềm vui với nhiều phần quà của lãnh đạo tỉnh và bệnh viện. Bàn tay nhỏ bé của những bệnh nhi (Trung tâm Nhi khoa) nắm chặt những phong bao “lì xì” màu đỏ từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ trong đêm Giao thừa khiến nụ cười của các em tươi đẹp hơn sau bao nhiêu ngày điều trị đau đớn. Toàn bộ bệnh nhân của Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 như được chúc sức khỏe trọn vẹn cho một năm mới bắt đầu.

Làm trọn sứ mệnh đêm Giao thừa

Trong khi mọi nơi hân hoan chào đón Xuân mới, thì khung cảnh tất bật người qua lại tại Bệnh viện Trung ương Huế vẫn không khác gì ngày thường. Có chăng những bước chân của các y bác sỹ nơi đây lại đang vội vàng hơn. Họ khẩn trương để kịp thời cấp cứu dòng người bệnh nhập viện tăng cao những ngày giáp Tết.

Đêm Giao thừa đầy cảm xúc tại Bệnh viện Trung ương Huế ảnh 2Em bé chào đời trong đêm Giao thừa dưới bàn tay của kíp bác sỹ Trung tâm Sản phụ, Bệnh viện Trung ương Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Tiến sỹ, bác sỹ Trần Quốc Thắng chia sẻ, Tết này, khoa Cấp cứu được phân công trực chia thành 3 ca, 4 kíp; các bác sỹ và y tá luôn luôn thường trực 24/24 giờ đầy đủ để đón nhận bất kỳ nạn nhân nhập viện vào mọi thời điểm. Hầu hết, mọi người đều phải làm việc quần quật để kịp thời sơ, cấp cứu cho các bệnh nhân. Lúc xong ca trực, xong công việc thì thời khắc giao thừa cũng đã qua đi. Điều quan trọng nhất mà mọi người quan tâm vào lúc này chỉ còn lại là ranh giới sự sống – cái chết của những người bệnh đang nằm trên tấm ga trắng kia.

Dù đã trải qua 8 năm đón Giao thừa tại Trung tâm Sản phụ nhưng cảm giác của tiến sỹ, bác sỹ Châu Khắc Tú (trưởng ca trực đêm 30 Tết tại Trung tâm) vẫn như lần đầu. Bởi khí thế năm mới mọi năm tại bệnh viện đối với bác sỹ Tú đều như nhau, chỉ những niềm vui đón chào các em bé ra đời đêm giao thừa lại rất đặc biệt. Người thầy thuốc 29 năm đỡ đẻ bộc bạch, với anh khoảnh khắc em bé sinh ra khóc tốt, người mẹ ôm ru con vừa chào đời trên người đẹp gấp nhiều lần so với khoảnh khắc pháo hoa sáng rực trên bầu trời đêm 30 Tết.

Giây phút chuông báo Giao thừa đến, tại Bệnh viện Trung ương Huế, có người vẫn đang hối hả với công việc, có những người lo lắng, cũng có những người hân hoan vui mừng. Nhưng chắc chắn rằng, năm mới đã đến, mọi người sẽ có những niềm vui mới đang đón chờ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục