Dịch cúm gia cầm bùng phát, ngành chăn nuôi của EU lao đao

Phần lớn các ca nhiễm là chim di cư hoang dã, song nhiều trường hợp đã bùng phát tại các trang trại, khiến khoảng 1,6 triệu gia cầm bị chết hoặc tiêu hủy trong khu vực.
Dịch cúm gia cầm bùng phát, ngành chăn nuôi của EU lao đao ảnh 1Gà nuôi tại một trang trại ở Barneveld, Hà Lan ngày 23/10/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Dịch cúm gia cầm đang lây lan nhanh tại Liên minh châu Âu (EU), khiến ngành chăn nuôi gia cầm của khu vực rơi vào cảnh khó khăn với hàng triệu gia cầm bị tiêu hủy, gây thiệt hại kinh tế lớn.

Các trường hợp mắc cúm gia cầm đã được phát hiện tại Pháp, Hà Lan, Đức, Anh, Bỉ, Đan Mạch, Ireland, Thụy Điển, mới đây nhất là Croatia, Slovenia và Ba Lan, sau khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại Nga, Kazakhstan và Israel.

Phần lớn các ca nhiễm là chim di cư hoang dã, song nhiều trường hợp đã bùng phát tại các trang trại, khiến khoảng 1,6 triệu gia cầm bị chết hoặc tiêu hủy trong khu vực.

[Hà Lan tiêu hủy 190.000 con gà do dịch cúm gia cầm tái bùng phát]

Tại Hà Lan, nhà xuất khẩu thịt gà và trứng lớn nhất châu Âu, ước tính gần 500.000 con gà đã chết hoặc bị tiêu hủy do dịch bệnh vào mùa Thu này. Riêng trong tuần này, hơn 900.000 con gà tại một trong trại của Ba Lan đã chết do cúm gia cầm.

Người phát ngôn của Viện Friedrich-Loeffler, cơ quan nghiên cứu liên bang về dịch bệnh động vật ở Đức, cho biết nguy cơ lây nhiễm tại các trang trại gia cầm và phát hiện thêm các trường hợp chim hoang dã mắc bệnh đã tăng lên trong 2 năm qua, do sự xuất hiện của nhiều chủng virus gây cúm gia cầm tại châu Âu.

Theo Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới (OIE), tính đến cuối tháng 10, Nga đã có gần 1,8 triệu gia cầm bị chết do cúm, trong đó có gần 1,6 triệu con tại một nông trại gần Kazakhstan.

Chủng virus cúm gia cầm bùng phát mạnh tại châu Âu trong năm nay là H5N8. Đây cũng là chủng virus từng hoành hành tại khu vực vào giai đoạn năm 2016-2017.

Tuy nhiên, châu Âu cũng ghi nhận sự xuất hiện của virus H5N5 và H5N1. Mặc dù nguy cơ lây nhiễm sang người là rất thấp, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) cho rằng vẫn cần theo dõi chặt chẽ sự phát triển của virus. Trước đó, chủng virus H5N1 từng có ca lây nhiễm sang người.

Phần lớn các nước đã nâng cảnh báo lên mức cao, đồng nghĩa với việc gia cầm và tất cả các loại chim nuôi phải được bảo vệ hoặc giữ ở trong nhà để tránh tiếp xúc với chim hoang dã. Cũng giống như các căn bệnh khác ở động vật, các đợt bùng phát cúm gia cầm thường khiến các nước nhập khẩu phải áp đặt hạn chế thương mại.

Cùng với lệnh phong tỏa liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, điều này sẽ tác động mạnh đến doanh số bán hàng trong dịp nghỉ lễ cuối năm.

Tuy nhiên, việc các nước nhập khẩu chỉ áp đặt hạn chế tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ giúp giảm nhẹ phần nào tác động.

Trung Quốc là một điển hình khi chỉ đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm gia cầm từ 4 vùng tại Nga do dịch cúm gia cầm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục