Trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn Kiểm toán Nhà nước Việt Nam do bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước dẫn đầu tại New Zealand và Australia từ ngày 14-23/4/2023, trong 2 ngày 19-20/4, đoàn tham dự Hội nghị IMPACT 2023 về tư duy phản biện trong kiểm toán hoạt động.
Hội nghị do Cơ quan Kiểm toán Quốc gia (SAI) Australia chủ trì tổ chức với sự phối hợp của Văn phòng Kiểm toán Vùng Lãnh thổ Thủ đô Australia.
Tham dự hội nghị có hơn 200 đại biểu đến từ các SAI trên thế giới, các bộ ngành liên quan của Australia và nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.
Chủ đề của hội nghị là “Kiểm toán viên của tương lai,” trong đó tập trung vào hai nội dung chính: Công nghệ như một công cụ; Công nghệ và tác động đối với kiểm toán viên.
Ngày 19/4, hội nghị nghe đại diện của SAI Indonesia, SAI Mỹ, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Australia và Bộ trưởng Bộ Tài chính Australia chia sẻ những kinh nghiệm thu hút kiểm toán viên tương lai, những kỹ năng cần thiết của kiểm toán viên trong thế giới số; an ninh mạng và thách thức trong lĩnh vực công; kiểm toán trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và thành tựu của Australia trong tăng cường trách nhiệm giải trình, minh bạch và phòng chống tham nhũng, trong đó trí tuệ nhân tạo trở thành xu thế nổi bật và tạo nên những tác động tích cực trong quản lý công tại Australia.
Để thích ứng với bối cảnh thay đổi nhanh chóng, kiểm toán viên tương lai cần trang bị hệ thống kỹ năng và năng lực chuyên môn toàn diện để vượt qua giới hạn của kiểm toán tài chính truyền thống. Trong khi đó, công nghệ số đã làm thay đổi cách thức chính phủ vận hành và làm tăng độ phức tạp cũng như dung lượng dữ liệu mà các cơ quan chính phủ có thể xử lý.
[Việt Nam-New Zealand trao đổi kinh nghiệm nâng chất lượng kiểm toán]
Đại dịch COVID-19 khiến cho việc chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ và các tổ chức phải đối mặt với những thách thức mới. Phạm vi và cường độ rủi ro ngày càng tăng đòi hỏi phải có chiến lược kiểm toán linh hoạt, hiệu quả, hiệu lực.
Bên cạnh đó, chủ đề về đạo đức nghề và quản trị công, thách thức tính liêm chính và đạo đức trong hệ thống chính phủ cũng được các chuyên gia từ Hội đồng Australia về liêm chính thực thi pháp luật và Hội đồng gồm Tổng Kiểm toán Nhà nước New Zealand, lãnh đạo Công ty Ernst & Young, Tổng thư ký Ủy ban Cải cách khu vực công Australia tập trung trình bày và thảo luận.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung làm rõ tầm quan trọng của tính liêm chính, coi đó như một kỹ năng cốt lõi của mọi công chức. Cơ quan kiểm toán tối cao cùng với các cơ quan liêm chính khác là phần cốt yếu của hệ thống liêm chính và trách nhiệm giải trình của khu vực công. Công chúng luôn kỳ vọng phẩm chất liêm chính, trung thực và minh bạch là giá trị cốt lõi trong văn hóa tổ chức và quản trị công.
Ngày 20/4, đoàn công tác của Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tham gia các phiên thảo luận về các nội dung thuộc chủ đề chính của hội nghị, trong đó tập trung vào tác động kiểm toán từ quan điểm của một số SAI, mối quan hệ với Quốc hội, cách thức tăng cường tác động kiểm toán từ góc độ của cơ quan lập pháp, cơ quan kiểm toán công và đơn vị được kiểm toán.
Cùng với sự phát triển của ngành kiểm toán công nói chung, các cơ quan lập pháp và công chúng ngày càng quan tâm và tham gia sâu hơn vào hoạt động và báo cáo kiểm toán của SAI, từ đó đòi hỏi SAI liên tục cải tổ nội dung và hình thức báo cáo kiểm toán để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, thời hạn báo cáo... để có thể tiếp cận rộng rãi tới nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có đại biểu Quốc hội, công chúng thông qua mạng xã hội, đơn vị được kiểm toán với dạng báo cáo ngắn gọn, dễ hiểu, diễn đạt dưới hình thức ngôn ngữ đồ họa...
Đặc biệt, các SAI hầu hết đều tự thích ứng linh hoạt với những thay đổi trong thời kỳ hậu COVID-19 để tiếp tục thúc đẩy các giá trị cốt lõi trước Quốc hội, các cơ quan hữu quan và công chúng về tính trách nhiệm giải trình, minh bạch và tuân thủ pháp luật, trong đó nhấn mạnh những kết quả đạt được từ báo cáo về tính liêm chính, ban hành khung quản lý đấu thầu mua sắm công, phương pháp quản lý tập trung các xung đột lợi ích.
Chiều 20/4, Hội nghị chia thành các phiên thảo luận về 4 tiểu chủ đề: Kiểm toán môi trường và tính bền vững-Kinh nghiệm của SAI trong áp dụng mô hình báo cáo quản trị, xã hội, môi trường (ESG) và kiểm toán bền vững; Phân tích dữ liệu-Kinh nghiệm của SAI trong áp dụng phân tích và công nghệ nâng cao kết quả kiểm toán; Khung quản lý môi trường-Tầm quan trọng của cơ chế phối hợp hiệu quả, vai trò và lợi ích của hệ thống pháp lý; Chuyển đổi số và Trí tuệ nhân tạo-tác động đối với hoạt động kiểm toán-Tìm kiếm công cụ hiện đại giúp KTV xác định lỗ hổng trong quản lý rủi ro với sự trợ giúp của các công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện hành và mới nổi.
Trong thời gian diễn ra hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung tiếp xúc bên lề với các SAI tham dự hội nghị và gặp song phương với Kiểm toán Nhà nước Australia.
Tiếp Đoàn có ông Grant Hehir - Tổng Kiểm toán nhà nước Australia, bà Rona Mellor - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Australia. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đánh giá cao Kiểm toán Nhà nước Australia trong việc chủ trì Hội nghị IMPACT để thảo luận về một chủ đề hết sức thiết thực đối với cộng động SAI quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thế giới bước vào giai đoạn bình thường mới sau đại dịch COVID-19.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung mong muốn quan hệ hợp tác song phương giữa 2 cơ quan sẽ được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới thông qua các diễn đàn đa phương và trao đổi các đoàn cán bộ sang học tập và chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn kiểm toán tại Kiểm toán Nhà nước Australia, đặc biệt về việc nâng cao chất lượng kiểm toán, phân tích dữ liệu và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán.
Với vai trò và đóng góp quan trọng trong ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam mong muốn Kiểm toán Nhà nước Australia ủng hộ nguyện vọng ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tại Đại hội ASOSAI năm 2024.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cũng gửi lời chào của Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn tới Tổng Kiểm toán Nhà nước Australia Grant Hehir, đồng thời trân trọng mời ông và các đồng nghiệp sang thăm, làm việc với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong thời gian tới.
Tại buổi tiếp, Tổng Kiểm toán nhà nước Australia cũng bày tỏ vui mừng được gặp gỡ và làm việc với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị. Với lịch sử và kinh nghiệm hàng trăm năm về kiểm toán công, Kiểm toán Nhà nước Australia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực mà Kiểm toán Nhà nước Australia có thế mạnh, trong đó có thu thập và phân tích dữ liệu; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán.
Theo ông Grant Hehir, phân tích dữ liệu là một chủ đề lớn và hiện nay, Kiểm toán Nhà nước Australia đang gặp một số thách thức trong việc thu thập dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu kiểm toán phi tài chính bởi tính chất phi cấu trúc của thông tin.
Tổng Kiểm toán nhà nước Australia bày tỏ sẵn sàng đón tiếp các cán bộ của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sang tìm hiểu sâu hơn về các lĩnh vực nêu trên và hy vọng có cơ hội sẽ sang thăm và làm việc tại Kiểm toán Nhà nước Việt Nam./.