Đức: CSU lo ngại đa số thành viên SPD phản đối thỏa thuận liên minh

Lãnh đạo CSU lo ngại đảng SPD sẽ đẩy nước Đức vào cuộc khủng hoảng chính trị nếu đa số thành viên của đảng này bỏ phiếu phản đối các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới.
Đức: CSU lo ngại đa số thành viên SPD phản đối thỏa thuận liên minh ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa), Chủ tịch CSU Horst Seehofer (trái) và Chủ tịch SPD Martin Schulz (phải) tại cuộc họp báo sau các vòng đàm phán ở Berlin ngày 12/1. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 18/1, lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đảng đồng minh thân cận với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel​ đã bày tỏ lo ngại đảng Dân chủ Xã hội (SPD) sẽ đẩy nước Đức vào cuộc khủng hoảng chính trị nếu đa số thành viên của đảng này bỏ phiếu phản đối các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 21/1 tới.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Bild (Hình ảnh) của Đức, Chủ tịch CSU Horst Seehofer nhận định trong trường hợp các thành viên SPD bỏ phiếu chống lại việc tái khởi động "đại liên minh" với liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Merkel trong Đại hội của đảng này sắp tới, đây sẽ là một thảm họa chính trị đối với nước Đức.

Lãnh đạo CSU cho biết ông chỉ có thể kêu gọi mọi người đồng lòng, cùng hợp tác và hành động với nhau để nước Đức sớm thành lập được một chính phủ.

Trước đó một ngày, Thủ tướng Merkel cũng đã kêu gọi các thành viên SPD có lựa chọn "trách nhiệm" với nước Đức.

[Thủ tướng Merkel kêu gọi SPD lựa chọn có trách nhiệm vì nước Đức]

Sau các cuộc đàm phán thăm dò trong không khí xây dựng giữa CDU/CSU và SPD hồi tuần trước, các bên đã đồng ý về nguyên tắc đối với một thỏa thuận liên minh, nhưng thỏa thuận này đã bị hoãn lại sau khi một số thành viên của SPD cho rằng đảng này đã có quá nhiều nhượng bộ trong đàm phán với CDU/CSU.

Dự kiến vào ngày 21/1 tới, khoảng 600 thành viên SPD sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu quyết định liệu đảng này có tham gia vào các cuộc đàm phán chính thức về liên minh với CDU/CSU hay sẽ đẩy nước Đức vào nguy cơ hỗn loạn chính trị kéo dài.

Hiện Chủ tịch SPD Martin Schulz đang nỗ lực vận động các thành viên SPD đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán chính thức với liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Merkel.

Nếu ông Schulz vận động thành công, thỏa thuận sơ bộ cuối cùng sẽ được thông qua và hai bênsẽ chính thức bước vào các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh.

Ngược lại, nước Đức sẽ còn 2 lựa chọn, hoặc là thành lập một chính phủ thiểu số do Thủ tướng Merkel đứng đầu, hoặc tổ chức cuộc bầu cử mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục