Đức đạt tiến triển trong việc đổi mới nguồn cung năng lượng

Song song với việc đối phó với các cuộc khủng hoảng, từ năm 2022, Chính phủ Đức đã đặt nền móng cơ bản cho việc đổi mới và hướng tới sự thịnh vượng theo hướng trung hòa khí thải.
Đức đạt tiến triển trong việc đổi mới nguồn cung năng lượng ảnh 1Một trạm trung chuyển khí đốt tại Werne, miền tây nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một báo cáo công bố ngày 9/3, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức khẳng định, nước này đang đạt tiến triển tốt trong việc đổi mới nguồn cung năng lượng và nền công nghiệp, dù có những thách thức lớn.

Báo cáo do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck trình bày cho biết, song song với việc đối phó với các cuộc khủng hoảng, từ năm 2022, Chính phủ Đức đã đặt nền móng cơ bản cho việc đổi mới và hướng tới sự thịnh vượng theo hướng trung hòa khí thải.

Hiện nước Đức đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất trong việc phát triển năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời, đã có nhiều bước tiến trong việc đẩy nhanh thủ tục, cải thiện các điều kiện về đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo.

Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào các công nghệ trung hòa khí thải. Báo cáo khẳng định năng lượng tái tạo được đẩy mạnh, hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn, một ngành công nghiệp thân thiện với khí hậu là những gì nước Đức đang hướng tới để đảm bảo khả năng cạnh tranh và việc làm trong tương lai.

[Đức thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và sản xuất năng lượng xanh]

Theo báo cáo, trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều thách thức như xung đột quay trở lại ở châu Âu, tình hình toàn cầu có nhiều thay đổi, cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn đang tiếp diễn, nhiệm vụ của Đức là phải loại bỏ các rào cản đối với việc tạo ra giá trị bền vững và cung cấp năng lượng, đồng thời tăng cường thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo và đầu tư.

Để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2045 và sự thịnh vượng bền vững, báo cáo vạch ra các nhiệm vụ cụ thể như tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo, tăng năng lực truyền tải và đảm bảo sự ổn định của hệ thống lưới điện, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng hydro, thúc đẩy nền công nghiệp không khí thải carbon, tăng hiệu quả sử dụng và tăng cường tiết kiệm năng lượng, đổi mới việc tạo ra giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp...

Báo cáo cũng cho biết Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức đang xây dựng một chiến lược nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, đổi mới sự thịnh vượng trên cơ sở trung hòa khí thải.

Yếu tố trung tâm cho quá trình khử carbon của ngành công nghiệp là các cam kết và thỏa thuận về bảo vệ khí hậu, để các quy trình sản xuất được chuyển đổi sang sản xuất xanh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi với sự hỗ trợ của chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục