Đức tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu Nga từ cuối năm 2022

Đức sẽ nỗ lực để tới cuối năm 2022 có thể ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga, trong khi Ba Lan cũng sẽ có những động thái tương tự.
Đức tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu Nga từ cuối năm 2022 ảnh 1Đường ống Druzhba vốn đưa dầu mỏ của Nga tới 5 nước châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 31/5 tuyên bố nước này và Ba Lan muốn chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay, bất chấp các ngoại lệ liên quan lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga mà Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra.

Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU ở Brussels cùng ngày, Thủ tướng Olaf Scholz nói rõ dù lệnh cấm của EU trước mắt chỉ áp dụng với dầu mỏ của Nga được vận chuyển qua đường biển nhưng Đức và quốc gia láng giềng Ba Lan vẫn muốn ngừng nhập khẩu dầu của Nga vận chuyển qua đường ống Druzhba vốn đưa dầu mỏ của Nga tới 5 nước châu Âu gồm Đức, Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovenia.

Cụ thể là Đức sẽ nỗ lực để tới cuối năm 2022 có thể ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga, trong khi Ba Lan cũng sẽ có những động thái tương tự.

Bên cạnh đó, Đức cũng sẽ nỗ lực để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga vốn chiếm khoảng 35% tổng mức tiêu thụ trong nước.

[Nga sẽ tìm khách hàng mới sau lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của EU]

Thời hạn mà Đức đặt ra cho việc chấm dứt nhập khẩu khí đốt Nga là vào mùa Hè năm 2024. Hiện Đức đã có một số bước đi hướng tới mục tiêu này như dốc sức xây dựng các trạm tiếp nhận khí hoá lỏng và cơ sở hạ tầng cần thiết để nhập khí đốt từ các nguồn khác.

Trước đó, EU đã đạt được thỏa thuận về việc áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga và cũng là gói biện pháp khắc nghiệt nhất của khối này nhằm vào Moskva kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine hôm 24/2.

Theo ông Olaf Scholz, lệnh cấm vận mới của EU nhằm vào 90% tổng lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga sang EU và sẽ tác động mạnh tới nguồn thu tài chính của nước này.

Tuy nhiên, lệnh cấm chỉ được áp dụng đối với dầu mỏ Nga vận chuyển qua đường biển chứ không phải qua các đường ống dẫn do một số nước trong EU như Hungary, Slovakia và CH Séc khó có thể tìm ngay được các nguồn cung thay thế năng lượng từ Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục