EC đánh giá khí đốt và điện hạt nhân là lĩnh vực đầu tư bền vững

Theo quan chức Liên minh châu Âu (EU), khí đốt và điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch hơn so với các nguồn khác trong quá trình các nước chuyển đổi sang một tương lai không có carbon ròng.
EC đánh giá khí đốt và điện hạt nhân là lĩnh vực đầu tư bền vững ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bỏ qua sự phản đối của các nhà hoạt động bảo vệ môi trường cũng như một số ý kiến chưa đồng thuận trong nội bộ, ngày 2/2, Ủy ban châu Âu (EC) đưa khí đốt và điện hạt nhân vào danh sách các lĩnh vực đầu tư bền vững.

Phát biểu với báo giới, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) Mairead McGuinness nêu rõ hai ngành này đóng vai trò quan trọng trong chính sách năng lượng, là nguồn năng lượng sạch hơn so với các nguồn khác trong quá trình các nước chuyển đổi sang một tương lai không có carbon ròng.

Bà nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng là một tương lai ít carbon có được nhờ nguồn năng lượng tái tạo và hiện nay, châu Âu chưa có được năng lực để thực hiện mục tiêu này trong khi vẫn phải hành động khẩn cấp.

Quan chức EU nêu rõ trong quá trình chuyển đổi này, các nước thành viên cần phải nhanh chóng từ bỏ các nguồn năng lượng hóa thạch carbon lớn như than đá và phải chấp nhận các giải pháp chưa thực sự hoàn hảo.

[Đức phản đối việc châu Âu phân loại điện hạt nhân là năng lượng “xanh”]

Bà lưu ý rằng quyết định này là nhằm bảo vệ các dự án điện hạt nhân và khí đốt phù hợp với các quy định về tài chính bền vững.

Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến về việc phân loại các nguồn điện giữa các nước EU liên quan tới cách thức đạt được mục tiêu là xây dựng mạng lưới nền kinh tế không carbon vào năm 2050. Ủy ban châu Âu hy vọng các nước sẽ đặt ra một tiêu chuẩn toàn cầu về xác định các dự án bền vững.

Tuy nhiên, các nước thành viên lại có các nguồn năng lượng hết sức đa dạng, như Pháp phụ thuộc vào điện hạt nhân, trong khi Đức chủ yếu nhờ vào khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Nga.

Bốn nước gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Áo và Hà Lan kiên quyết phản đổi quyết định của Ủy ban châu Âu, cho rằng điều này không phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục