Giá dầu thế giới tăng kỷ lục phiên 1/3 do căng thẳng Nga-Ukraine

Mặc dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga đã miễn trừ lĩnh vực năng lượng, song các nhà giao dịch vẫn e ngại giao dịch các loại dầu của Nga, làm gia tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Giá dầu thế giới tăng kỷ lục phiên 1/3 do căng thẳng Nga-Ukraine ảnh 1Một giếng dầu ở Dyurtyuli, Cộng hòa Bashkortostan, Liên bang Nga. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Trong phiên giao dịch 1/3, giá dầu thế giới tăng hơn 7% lên mức cao nhất kể từ năm 2014, khi thỏa thuận giải phóng dự trữ dầu thô không thể xoa dịu mối lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung trước căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine.

Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 7 USD (7,1%) lên 104,97 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014.

Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 7,69 USD (8%) lên 103,41 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 7/2014, đồng thời ghi dấu mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2020.

Các thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong đó có Mỹ và Nhật Bản, đã nhất trí giải phóng 60 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ của các nước này trong nỗ lực "hạ nhiệt" đà tăng của giá dầu, vốn đã vượt 100 USD/thùng. 

Tuy nhiên, thông tin về lượng dầu được giải phóng - tương đương với mức tiêu thụ dầu chưa đầy một ngày trên toàn cầu - chỉ càng đào sâu mối lo ngại của thị trường về nguy cơ nguồn cung không đủ để bù đắp cho tình trạng gián đoạn ngày càng tăng.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã miễn trừ lĩnh vực năng lượng, song các nhà giao dịch vẫn e ngại giao dịch các loại dầu của Nga, dẫn đến việc giảm giá lớn đối với loại dầu này, song lại thắt chặt nguồn cung đối với các loại dầu thô khác.

[Giá dầu thế giới tăng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga]

John Kilduff, chuyên gia của công ty tư vấn đầu tư Again Capital có trụ sở tại New York (Mỹ) nhận định giá dầu đang ngày càng tăng giữa những lo ngại về tình hình Ukraine.

Ông cho biết các nhà giao dịch đã thất vọng về quy mô của chương trình giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược.

Trong khi đó, Louise Dickson, nhà phân tích tại công ty dịch vụ dầu khí Rystad Energy (Na Uy), lưu ý thêm cam kết của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh còn gọi là OPEC+, về việc gia tăng nguồn cung cho đến nay vẫn chỉ là lời hứa trên giấy tờ, khi các thành viên tham gia thỏa thuận đang sản xuất dưới mục tiêu đã đề ra, vấn đề tiếp tục thắt chặt nguồn cung toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục