Giải mã ‘văn hóa an toàn’ trên mỗi chuyến bay Vietnam Airlines

Vietnam Airlines liên tục xây dựng, ban hành quy trình quy định và kiểm tra giám sát, nhận diện nguy cơ tiềm ẩn rủi ro hàng không là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Giải mã ‘văn hóa an toàn’ trên mỗi chuyến bay Vietnam Airlines ảnh 1Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên tục tổ chức các lớp đào tạo về văn hóa an toàn; khuyến khích các báo cáo tự nguyện, báo cáo bí mật trong nội bộ hay đề cao sự công bằng, không kỷ luật bất cứ nhân viên nào khi chủ động báo cáo trung thực về sự cố... đâu mới là yếu tố mấu chốt trong nỗ lực xây dựng văn hóa an toàn của “người anh cả” ngành hàng không Việt - Vietnam Airlines?

Kiên trì nhiều biện pháp tạo nền văn hóa

Khi hàng không Việt Nam phát triển với tốc độ tăng trưởng mạnh, thuộc top đầu thế giới, cũng là lúc yếu tố an toàn hàng không các biện pháp phòng ngừa tất cả các tai nạn, lỗi hoặc khiếm khuyết không có chủ ý trong thiết kế, xây dựng, bảo dưỡng và vận hành máy bay được đề cao.

[80% sự cố mất an toàn hàng không liên quan đến con người]

Trên thực tế, an toàn hàng không có mặt ngay khi ngành hàng không ra đời. Đơn cử như Vietnam Airlines, hãng hàng không này đã và đang nỗ lực xây dựng cả một văn hóa an toàn hàng không trong suốt 20 năm đồng hành với quá trình phát triển.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo của Vietnam Airlines cũng khẳng định xây dựng văn hóa an toàn không thể là việc làm đạt được kết quả ngay mà phải là một quá trình xây dựng kiên trì, mỗi ngày; kết hợp cùng một lúc nhiều biện pháp để có được sự thay đổi nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi một cá nhân.

Để xây dựng kiến thức về an toàn hàng không, mỗi năm Vietnam Airlines tổ chức hàng chục lớp đào tạo nội bộ. Trong 4 năm (2013-2017), đã có 1.820 thành viên của Vietnam Airlines được tiếp cận với những quy định và các hướng dẫn mới nhất của văn hóa an toàn hàng không như các quy định Tổ chức Hàng không dân dụng Thế giới (ICAO), hệ thống quản trị an toàn CAAV, chính sách phát triển văn hóa an toàn của Vietnam Airlines VNA...

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, mô hình văn hóa báo cáo được xây dựng thành công với ngày càng nhiều các báo cáo an toàn bí mật, báo cáo an toàn tự nguyện bên cạnh các báo cáo bắt buộc và định kỳ khác, điều này cho thấy tính chủ động dần được hình thành trong văn hóa báo cáo của các đơn vị khai thác bay, kỹ thuật hay khai thác mặt đất.

“Việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý an toàn cũng được thực hiện bằng nỗ lực của toàn tổng công ty. Hệ thống này dựa vào dữ liệu an toàn để dự báo, xác định các nguy cơ, từ đó xử lý, phòng ngừa rủi ro kịp thời,” lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Cùng với đó, hãng cũng triển khai các biện pháp cập nhật và phổ biến thông tin an toàn qua nhiều hình thức: bản tin, tin nhắn, thư điện tử, kênh truyền thông... tới từng thành viên; ban hành chỉ thị số về việc nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động khai thác; đề cao sự công bằng và chia sẻ thông tin khi không áp dụng các biện pháp kỷ luật bất cứ nhân viên nào khi chủ động báo cáo trung thực về sự cố hoặc các sự việc ảnh hưởng tới an toàn, các lỗi đó là do sơ ý cũng là các biện pháp kết hợp đồng thời để xây dựng văn hóa an toàn.

Nỗ lực hơn nữa cho các mục tiêu xa

Theo số liệu mới công bố của Vietnam Airlines, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã giảm mạnh số sự cố, vụ việc trên 10.000 chuyến bay từ 30,6 vụ việc năm 2015 xuống còn 11,6 vụ việc năm 2017. Cùng với số lượng thì mức độ nghiêm trọng của các vụ việc cũng trong xu thế giảm.

Những thay đổi kể trên cho thấy, văn hóa an toàn trong tổ chức này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Đây thực sự là một thành công rất đáng ghi nhận của một hãng hàng không phấn đấu tới mục tiêu xây dựng văn hóa an toàn tích cực vào năm 2020, tiên tiến vào năm 2025.

[Nguy cơ ảnh hưởng an ninh hàng không là trực tiếp và nguy hiểm hơn]

Nói về mục tiêu của Vietnam Airlines trong nâng cấp văn hóa an toàn lên mức chủ động trong vòng 2 năm sắp tới, ông Nguyễn Thái Trung, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Hệ thống quản lý an toàn khi được đưa lên mức chủ động đồng nghĩa với việc tất cả các mặt từ báo cáo an toàn, điều tra an toàn, xử lý các thông tin an toàn, phòng ngừa an toàn… đều được thực hiện từ ý thức của từng thành viên. Điều này chỉ thực hiện được khi văn hóa an toàn hàng không đã đi vào nhận biết, ý thức và hành động của mỗi cá nhân thành viên trong tổng công ty.”

Theo ông Trung, an toàn là yếu tố sống còn trong hoạt động của hãng, vì vậy, Vietnam Airlines kiên định mục tiêu lớn là xây dựng văn hóa an toàn ngay trong lòng Vietnam Airlines.

Lạc quan về những thành công trong việc xây dựng văn hóa an toàn vẫn không ngừng hoàn thiện, phát triển một môi trường an toàn quanh mỗi chuyến bay, Vietnam Airlines đang là điển hình trong việc đưa an toàn hàng không vào mỗi việc làm hàng ngày./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục