Gỡ ‘ngòi nổ’ BOT Cai Lậy: Bộ GTVT kiến nghị giữ trạm, giảm sâu mức phí

Bộ Giao thông kiến nghị giữ trạm BOT Cai Lậy, giảm sâu mức phí

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1, miễn giảm sâu mức phí nhưng phải kéo dài thời gian hoàn vốn đầu tư.
Bộ Giao thông kiến nghị giữ trạm BOT Cai Lậy, giảm sâu mức phí ảnh 1Ùn tắc tại trạm BOT Cai Lậy. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Liên quan đến phương án xử lý đối với việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư dự án BOT Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, trong 5 phương án trình Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải chọn phương án 1 là giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1, miễn giảm vé và Nhà nước không phải dùng ngân sách hỗ trợ dự án nhưng phải kéo dài thời gian hoàn vốn đầu tư.

Trong trường hợp phương án 1 không được chấp thuận, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị ưu tiên lựa chọn phương án 2 doanh nghiệp sẽ lập thêm một trạm trên tuyến tránh để thu phí cả hai trạm trên tuyến tránh và trên Quốc lộ 1. Thời gian hoàn vốn mỗi trạm khoảng 10 năm 10 tháng với mức giá trên tuyến tránh là 25.000 đồng cho xe nhóm 1, trên tuyến Quốc lộ là 15.000 đồng. Đây là phương án được nhiều chuyên gia đề xuất để xử lý trạm BOT Cai Lậy.

[Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ phương án xử lý BOT Cai Lậy mới]

Trao đổi với VietnamPlus, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng-Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: “Căn cứ các quy định của pháp luật, phân tích mọi mặt, có thể nói 5 phương án được trình là các giải pháp tối ưu đã được tính toán. Bộ Giao thông Vận tải chờ đợi Chính phủ quyết định.

Theo ông Huy, giải pháp nào cũng có ưu nhược điểm, song cần tính toán phương án tối ưu, tránh ảnh hưởng đến các dự án BOT khác và môi trường đầu tư, đặc biệt là việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam sắp tới.

Phân tích cụ thể 5 phương án đề xuất cũng như việc ưu tiên lựa chọn phương án 1 và phương án 2 để xử lý BOT Cai Lậy của Bộ Giao thông Vận tải, ông Huy nhìn nhận, với phương án 1 sẽ giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả phương tiện qua trạm với mức giảm trung bình là 30%, trong đó xe con giảm từ 25.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt (giảm 59%).

Phương án này cũng mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận (đối với thị xã Cai Lậy: thêm xã Long Khánh, Phường 2; đối với huyện Cái Bè thêm xã An Cư, xã Mỹ Hội), giảm giá 100% cho các loại xe buýt và các phương tiện không sử dụng để kinh doanh; giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh; thời gian hoàn vốn đầu tư khoảng 15 năm 9 tháng.

Phương án 1 được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá không phải bố trí ngân sách Nhà nước, giảm tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải, giảm ùn tắc giao thông ở trung tâm thị xã Cai Lậy. Tuy nhiên, nhược điểm là phải kéo dài thời gian hoàn vốn.

Với phương án 2, ông Huy cho biết sẽ phát sinh 90 tỷ đồng chi phí xây dựng trạm BOT trên tuyến tránh. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải lo ngại khi xây thêm trạm BOT trên tuyến tránh sẽ dẫn đến tình trạng phương tiện tập trung đi qua Quốc lộ 1 do mức giá thấp hơn, gây ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1.

[Phương án tối ưu nào tháo gỡ ‘ngòi nổ’ dự án BOT Cai Lậy?]

Về phương án 3, giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay sẽ bảo đảm khả thi về phương án tài chính, không phải bố trí ngân sách hỗ trợ khi, mức giá 25.000 đồng cho mỗi lượt xe nhóm 1, thời gian thu phí khoảng 7 năm 7 tháng. Nhược điểm của phương án này là đã bị dư luận phản ứng trong thời gian qua.

Còn phương án 4, dẫn số liệu đếm xe thực tế do Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện và nghiên cứu phân luồng, ông Huy đưa ra con số so sánh chỉ có khoảng 3.800 ôtô các loại lưu thông trên tuyến tránh nên phương án tài chính không bảo đảm, buộc Nhà nước phải sử dụng ngân sách hỗ trợ 1.250 tỷ đồng.

“Chưa kể, với phương án này, việc phân luồng sẽ dẫn đến phản ứng của người dân với lý do ép các phương tiện đi vào tuyến tránh có mua vé hoặc giá vé cao hơn, đặc biệt là phản ứng từ các doanh nghiệp vận tải, kinh doanh gạo có trụ sở, giao dịch trong thị xã Cai Lậy,” vị Vụ trưởng-Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư cho hay.

Về phương án thứ 5, Bộ Giao thông sẽ đàm phán nhà đầu tư chuyển đổi hình thức hợp đồng, xóa bỏ trạm thu phí Cai Lậy và dùng vốn Nhà nước thanh toán hàng năm cho nhà đầu tư bao gồm lãi vay phát sinh trong thời gian 2019-2029 khoảng 2.026 tỷ đồng.

Phân tích về phương án này, ông Huy cho rằng, nếu thực hiện sẽ giải quyết triệt để phản ứng của một bộ phận tài xế, giảm chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Tuy nhiên, Nhà nước sẽ phải dùng ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư trong điều kiện ngân sách khó khăn đồng thời, hệ lụy có thể lan rộng sang 5 dự án khác tương tự BOT Cai Lậy (nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh, thu phí trên tuyến chính) với số tiền phải bố trí hơn 11.000 tỷ đồng để mua lại.

[Tiền Giang chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng về trạm BOT Cai Lậy]

“Tất cả 5 phương án xử lý đối với việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư dự án BOT Cai Lậy trình Thủ tướng Chính phủ đều được Bộ Giao thông Vận tải thuê cả tư vấn nghiên cứu nhằm đưa ra phương án tốt nhất để đảm bảo lợi ích của người dân, nhà đầu tư, ngân hàng,” ông Huy nhấn mạnh./.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa Quốc lộ 1 dài 26,5km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.

Trạm hoạt động từ ngày 1/8/2017, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí nên chủ đầu tư phải liên tục thu, xả trạm nhiều lần.

Bốn tháng sau khi hoạt động, Thủ tướng quyết định dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy chờ Bộ Giao thông Vận tải trình phương án giải quyết.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục