Hiệp ước ANZUS định hình thế trận Mỹ-Trung tại Thái Bình Dương

Khi Hiệp ước ANZUS bước sang tuổi 70, quá khứ gắn kết sâu đậm của New Zealand, Australia và Mỹ sẽ tiếp tục giúp định hình một cách cơ bản tương lai bất định của Thái Bình Dương.
Hiệp ước ANZUS định hình thế trận Mỹ-Trung tại Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Dreamstime)

Theo trang mạng thediplomat.com/theconversation.com, 
70 năm sau khi Australia, New Zealand và Mỹ ký Hiệp ước ANZUS cam kết bảo vệ lẫn nhau và cùng hợp tác để đảm bảo một Thái Bình Dương hòa bình, liên minh này đã khoác lên mình trọng trách mới khi cả 3 nước đều phải đối mặt với những thách thức kinh tế, chính trị và ngoại giao từ Trung Quốc.

Hiệp ước ANZUS, được đặt theo tên viết tắt của ba quốc gia, được ký kết vào năm 1951 ở các quốc gia có cùng chung lịch sử, và đã trở thành một thành tố quan trọng trong quan hệ quốc tế sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Giờ đây, khi khu vực Thái Bình Dương đứng bên bờ vực chiến tranh nguy hiểm, liên minh này lại một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế và những tranh đấu quyền lực ở khu vực này.

Quá khứ gắn kết chặt chẽ

Ngoài những mối liên hệ cổ xưa giữa người Hawaii bản địa với người Maori ở New Zealand, lịch sử của 3 quốc gia Australia, New Zealand và Mỹ đã gắn liền với nhau trong nhiều thế kỷ.

Anh bắt đầu chiếm Australia làm thuộc địa vào năm 1788 sau khi để mất các thuộc địa tại châu Mỹ. Một số người ủng hộ (thực dân hóa) muốn chuyển đến Nam Thái Bình Dương những người châu Mỹ trung thành, cũng như những nô bộc từng được dự định đưa tới Bắc Mỹ.

Những người Anh trung thành lưu vong sinh sống rải rác khắp đế quốc này, trong đó chỉ một số đến được Nam Thái Bình Dương. Nhưng đối với 160.000 phạm nhân, những thuộc địa ở Australia đã trở thành nơi họ bị lưu đày trong hơn 80 năm sau đó.

Vào cuối thế kỷ 18, những người săn bắt cá voi và hải cẩu từ New England bắt đầu đến New Zealand và Australia. Những mối giao thoa phức tạp đã trải rộng khắp Thái Bình Dương trong những năm tiếp theo từ lĩnh vực thương mại, các luồng tư tưởng cho đến các cuộc di cư, đặc biệt được thúc đẩy bởi các cuộc săn vàng ở Thái Bình Dương.

Cả 3 xã hội đều phát triển từ những huyền thoại lập quốc tương tự với những kinh nghiệm giống nhau trong việc chinh phục các dân tộc bản địa để hình thành “các quốc gia của người da trắng."

Các mối giao thoa phức tạp đã đạt đến tầm cao mới trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Năm 1940, trước nguy cơ sắp xảy ra chiến tranh, Mỹ công nhận Australia là một quốc gia độc lập, tách biệt với Vương quốc Anh. Hai năm sau, Mỹ cũng làm điều tương tự với New Zealand khi quân đội 3 nước tham gia chiến đấu chống lại đế quốc Nhật Bản.

Sự ra đời của ANZUS

Cả 3 quốc gia đều đóng vai trò quan trọng trong việc buộc Nhật Bản phải đầu hàng năm 1945, và tất cả đều được thay đổi sau sự kiện đó. Hơn một triệu lính Mỹ đã đóng quân tại Australia và New Zealand để bảo vệ các quốc gia này trước các cuộc xâm lược đáng sợ của Nhật Bản.

Tiếp đó, khi những người Cộng sản tiếp quản Trung Quốc từ năm 1949, khu vực Thái Bình Dương đã chìm vào Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 càng làm gia tăng thêm những lo lắng về sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, Australia và New Zealand khi đó vẫn còn cảm thấy bị đe dọa bởi một Nhật Bản “hung hãn” và đã tái vũ trang.

Dù vậy, điều phức tạp là Mỹ muốn nhanh chóng tái thiết Nhật Bản để giúp bảo vệ nền dân chủ và hòa bình ở Bắc Thái Bình Dương. Mục tiêu này được thực hiện trong một liên minh an ninh chung được đề xuất với quốc gia từng là cựu thù nguy hiểm này.

Mỹ đã mâu thuẫn về việc chính thức hóa các thỏa thuận an ninh riêng với Australia và New Zealand. Tuy nhiên, khi Mỹ ký kết hiệp ước Nhật Bản vào năm 1951, Australia và New Zealand đã phản ứng với sự kiện này theo cách mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là “sự nghi ngờ và không tán thành lớn."

Vì vậy, 3 quốc gia đã đề xuất một thỏa hiệp để xoa dịu những lo ngại của Australia và New Zealand. Sự thỏa hiệp đó chính là một thỏa thuận 3 bên - Hiệp ước ANZUS. Nó đảm bảo an ninh của mỗi quốc gia và thiết lập sự hợp tác liên tục trong khu vực để bảo vệ hòa bình ở Thái Bình Dương.

Hiệp ước ANZUS được ký kết tại San Francisco vào ngày 1/9/1951, 7 ngày trước khi hiệp ước Nhật-Mỹ được ký kết.

ANZUS bất đồng và sửa đổi

Ở Mỹ, ANZUS ít được biết đến. Nhưng tại Australia và New Zealand, hiệp ước này đã đóng vai trò quan trọng trong an ninh quốc gia suốt 70 năm qua. Sự quan tâm tới hiệp ước này đã thay đổi theo quan điểm của công chúng về tổng thống Mỹ vào mỗi thời điểm hoặc các cuộc chiến tranh mà tổng thống Mỹ phát động.

Trong thập niên 1980, sự bất đồng sâu sắc về sức mạnh hạt nhân khiến Mỹ - bên ủng hộ hạt nhân - đình chỉ cam kết liên minh với một New Zealand phản đối hạt nhân. Căng thẳng đã lắng dịu trong giai đoạn diễn ra các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, và mối quan hệ liên minh này, bao gồm cả hợp tác an ninh, được cải thiện rõ rệt.

New Zealand và Mỹ đã ký Tuyên bố Wellington vào năm 2010, tiếp theo là Tuyên bố Washington 2012, theo đó “củng có quan hệ quốc phòng bằng cách cung cấp khuôn khổ và hướng dẫn chiến lược cho hợp tác an ninh và đối thoại quốc phòng." Tuy nhiên, những bước tiến này không thể khôi phục hoàn toàn liên minh.
Trong những năm gần đây, sự tập trung đã chuyển sang nhiều khía cạnh thống nhất giữa các quốc gia hơn là những điểm khác biệt.

Vào năm 2021, chính các hoạt động của Trung Quốc đang giúp định hình lại liên minh ANZUS đã ra đời từ năm 1951 này. Điều này đã được thể hiện rõ trong điểm nhấn mới về quan hệ thân hữu lâu đời, nền tảng văn hóa chung và quan hệ đối tác khu vực về các vấn đề quốc phòng.

Căng thẳng mới với Trung Quốc

Cả Australia và New Zealand đều là những nước hưởng lợi về kinh tế từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của cả 2 quốc gia, trong khi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ một cách thực dụng.
Cán cân đã thay đổi vào năm 2020 khi Australia dẫn đầu những lời kêu gọi điều tra về trách nhiệm của Trung Quốc đối với đại dịch COVID-19.

Phản ứng rất nhanh chóng sau đó của Bắc Kinh là đình chỉ các cuộc đối thoại kinh tế, nhắm vào các đòn trả đũa thương mại đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Australia, và đáng báo động nhất là những lời đe dọa tấn công bằng tên lửa của truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang này, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã có một bài phát biểu gợi lên ký ức một khu vực “từng bị ám ảnh một cách kỳ lạ bởi những tình huống tương tự vào những năm 1930”, vốn dẫn đến cuộc chiến tranh tại Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, giá trị xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc thực tế đã tăng 33% trong năm qua, một phần nhờ giá quặng sắt của Australia tăng.

Dù Australia đã một lần nữa liên kết chặt chẽ với Mỹ nhưng tồn tại một bất đồng quan trọng khác. Các chính sách “thân thiện” với nhiên liệu hóa thạch của Australia hiện nay trái ngược với chương trình nghị sự về khí hậu của chính quyền Biden. Biden đã cam kết sẽ không gây áp lực nào, ngay cả với Australia, để giải quyết vấn đề toàn cầu.

Về phần mình, New Zealand vẫn đang cố gắng cân bằng lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ. Căng thẳng khu vực hiện đang gia tăng nhanh chóng xung quanh các vấn đề Đài Loan, Biển Đông và việc Trung Quốc làm xói mòn nhân quyền và dân chủ, chưa kể đến cách đối xử của họ với Australia cũng đang thử thách các nhà lãnh đạo của Canberra.

Chuyển trọng tâm sang Thái Bình Dương

Trung Quốc là lý do khiến Mỹ đang tăng cường chú ý đến Thái Bình Dương ở mức độ chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Hai dự luật được lưỡng đảng thông qua tại quốc hội gần đây nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh, nghiên cứu khoa học và các nỗ lực kinh tế, chính trị và quân sự của Bắc Kinh.

Trong các nỗ lực liên quan, quân đội Mỹ đã công bố kế hoạch xây dựng các căn cứ mới tại 3 quốc đảo có vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương. Các quốc gia - Liên bang Micronesia, Cộng hòa Marshall và Cộng hòa Palau - từng được Liên hợp quốc giao quyền ủy trị cho Mỹ, hiện là các quốc gia độc lập và tự do liên kết với Mỹ.

ANZUS là nền tảng trong chiến lược này của Mỹ. Cả Australia và New Zealand đều đang tăng cường đáng kể chi tiêu quốc phòng theo những cách giúp gắn kết hơn nữa quân đội 3 nước với nhau. Một điều quan trọng nữa là thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo "Five Eyes" có từ thời Chiến tranh Thế giới II, với sự tham gia của Canada và Anh.

Ngoài ra, Mỹ và Australia còn là một phần của nhóm “Bộ Tứ” - nhóm 4 quốc gia cùng với Nhật Bản và Ấn Độ, được xây dựng dựa trên các thỏa thuận an ninh thời Chiến tranh Lạnh để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Khi ANZUS bước sang tuổi 70, quá khứ gắn kết sâu đậm của New Zealand, Australia và Mỹ sẽ tiếp tục giúp định hình một cách cơ bản tương lai bất định của Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục